Câu chuyện truyền thông từ Shark Tank 7

Các "cá mập" thảo luận chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn tại Shark Tank 7

Chiều hôm qua, 15/7/2024, chương trình Thương vụ bạc tỷ mùa thứ 7 (Shark Tank 7) đã chính thức được ra mắt. Đây là chương trình truyền hình thực tế về kêu gọi vốn đầu tư khởi nghiệp, xuất phát từ Mỹ, nay đã có mặt tại 51 quốc gia trên toàn cầu.

Chương trình này đến Việt Nam từ năm 2017, tới nay đã trải qua 6 mùa phát sóng và đạt mốc 100 tập. Trên con đường dài 6 năm đó, Shark Tank đã giới thiệu 291 mô hình kinh doanh tới các nhà đầu tư “cá mập” (Shark) và kết nối thành công 174 thương vụ. Sau khi tham gia Shark Tank Việt Nam, có hơn 60 startup đã được rót vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài chương trình.

Phát biểu tại lễ ra mắt Thương vụ bạc tỷ mùa 7, bà Lê Hạnh, tổng giám đốc đơn vị đồng sản xuất chương trình TVHub, chia sẻ: “Chương trình Shark Tank đã được tới mùa thứ 7 là một niềm hạnh phúc vô cùng đối với chúng tôi, vì những điều chúng tôi đang làm đang đem lại giá trị cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam và chính vì điều đấy chúng tôi nhận được sự ủng hộ của các nhà đầu tư, các đối tác của Shark Tank Việt Nam, đặc biệt là các bạn startup”.

Ngồi ở “ghế nóng” của Shark Tank mùa 7 lần này là 6 “cá mập” và 1… “sư tử”. Chương trình Shark Tank khi sang tới Đức thì mang tên Lion’s Den và các nhà đầu tư được gọi là các “sư tử”. Năm nay có “sư tử” Tillman Shulz, quản lý tập đoàn MDS, sáng lập viên công ty đầu tư mạo hiểm Evenmore Ventures, từ Đức bay tới Việt Nam để đồng hành với các “cá mập” Việt Nam.

Ở bên lề sự kiện, vị “sư tử” Đức chia sẻ: “Tôi nhận thấy giới trẻ Việt Nam rất thích sáng tạo và sáng lập công ty. Giới khởi nghiệp Việt rất trẻ trung. Tôi tham gia chương trình để hỗ trợ họ”.

“Và tôi cũng muốn ‘kiếm thêm’ chút đỉnh từ việc đầu tư”, ông hóm hỉnh nói thêm.

Ngoài các “cá mập” Phạm Thanh Hưng, Nguyễn Hòa Bình, Minh Beta đã quen mặt từ mùa trước, mùa này trong “bể cá mập” xuất hiện thêm 3 người mới, bên cạnh vị “sư tử” Đức nói trên. Đó là bà Nguyễn Phi Vân, một gương mặt quen thuộc với giới khởi nghiệp sáng tạo Việt.

Bà Nguyễn Phi Vân được biết đến là một cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động, một chuyên gia nhượng quyền kiêm nhà đầu tư thiên thần cho startup thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động. Bà hiện là Chủ tịch Go Global Holdings kiêm Chủ tịch Go Global Franchise Fund – quỹ đầu tư dành riêng cho các startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành nhượng quyền và cấp phép.

Tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 7, Shark Nguyễn Phi Vân mong muốn đầu tư vào các startup định hướng phát triển chuỗi, nhượng quyền thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động như bán lẻ, F&B, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ cá nhân, công nghệ giải trí, v.v. nhằm xuất khẩu trí tuệ Việt ra thị trường quốc tế với giá trị cao.

Một “cá mập” mới tiếp theo là bà Lê Mỹ Nga, Chủ tịch Quỹ đầu tư Weangels Capital, quỹ đầu tư vào giai đoạn sớm của startup và giúp startup tránh khỏi “thung lũng chết” trong khởi nghiệp.

Vị “nữ cá mập” này rất coi trọng yếu tố công nghệ trong khởi nghiệp sáng tạo: “Có yếu tố công nghệ thì mới tăng trưởng nhanh được. Nếu không có yếu tố công nghệ thì startup sẽ trở về với mô hình kinh doanh truyền thống, tăng trưởng chậm và khiến các nhà đầu tư khó thoái vốn”.

Và vị “cá mập” mới cuối cùng là ông Nguyễn Văn Thái, Đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch Tập đoàn mỹ phẩm Thái Hương.

Bên cạnh vai trò của một kênh gọi vốn, Shark Tank Việt Nam còn trở thành bệ phóng giúp các startup tiếp cận 39 triệu khán giả qua kênh VTV3 và hàng chục triệu người tiêu dùng trên các nền tảng số. Nhiều startup đã ghi nhận sự tăng trưởng đột biến về doanh thu, lợi nhuận, khách hàng, lượt tương tác, truy cập, v.v., tương đương với kết quả của chiến dịch tiếp thị trị giá hàng triệu đô la.

Chính vì có mọt sức lan tỏa truyền thông mạnh như vậy, nên sau khi đã trải qua một chặng đường dài 6 năm, thậm chí có một số công ty đã có “kế hoạch” tham gia chương trình với mục đích chính là để quảng cáo cho mình mà không định gọi vốn thực sự.

Shark Hưng thừa nhận có tình trạng này: “Tôi nghĩ rằng bản thân các startup tham gia chương trình, nhất là được lọt vào vòng phát sóng, thì dù muốn hay không, mục đích truyền thông cho doanh nghiệp của mình là hiển nhiên là có”.

Nhưng ông thẳng thắn: “Nhưng nếu các startup lên chương trình với mục đích chính là truyền thông cho mình, thì chương trình và các ‘shark’ đều có tâm nguyện không mong đợi việc đó và không khuyến khích, thậm chí là hơi ‘dị ứng’”.

Ông Hưng cũng cho biết, hiện tượng này thậm chí được Mỹ đặt cho hẳn một thuật ngữ riêng, gọi các startup lợi dụng chương trình để truyền thông đó là các “kẻ đào mỏ” (gold dicker).

Nhưng vị cá mập này cũng cảnh báo, truyền thông cũng là một con dao hai lưỡi. Truyền thông tốt chỉ mang lại hiệu quả cuối cùng cho doanh nghiệp nếu doanh nghiệp đó thực sự có một sản phẩm tốt và một hệ thống tốt. Nếu không thì “không có gì giết chết sản phẩm tồi nhanh như một chiến dịch truyền thông tốt”.

Nhắn nhủ với các công ty khởi nghiệp sáng tạo tham dự Shark Tank 7, bà Lê Hạnh tặng 3 từ khóa “toàn T”: Thành thật, Thực tế, Thần tốc.

Theo bà, khi đến với Shark Tank, các startup không phải là bán hàng mà là đang tìm một nhà đầu tư, một người đồng hành, giống như là “một cuộc hôn nhân” nên thành thật là điều không thể thiếu. Các startup nên thành thật với chương trình, thành thật với các “shark”.

Các startup cũng nên thực tế, các con số, quy mô thị trường nên thực tế với Việt Nam, không nên cao vống lên quá xa vời.

Và cuối cùng, “các nhà khởi nghiệp đừng lên ‘con thuyền khởi nghiệp’ nếu như không có khả năng tăng trưởng gấp 10 lần, giá thành rẻ hơn 10 lần, nhanh gấp 10 lần sau khi gặp nhà đầu tư vì ‘con thuyền’ đó chưa đủ điều kiện để ra khơi”, bà Hạnh nhắn nhủ.