Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) về tình hình doanh nghiệp TP.HCM quý II/2024, số doanh nghiệp giảm doanh thu tăng vọt lên mức 30,4%, lượng hàng tồn kho tăng lên mức 34%, số dư nợ tăng mức 42%...
DĐDN đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Đoàn ĐBQH TP. HCM) xung quanh vấn đề này.
- Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng một số chính sách hiệu quả không cao, đơn cử như Nghị quyết số 43/2022/QH15 về hỗ trợ lãi suất (2%/năm) cho một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp... chỉ giải ngân được khoảng 1.218 tỉ đồng, tương đương khoảng 3,05% tổng quy mô chính sách (40.000 tỉ đồng) đến hết năm 2023, thưa ông?
Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất của dịch COVID- 19, TP. HCM rất mong muốn có một gói hỗ trợ chính sách để phục hồi kinh tế. Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 43, các mục tiêu kiểm soát đại dịch, phục hồi tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội cơ bản đã đạt được. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần nhận diện nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.
Điển hình, gói hỗ trợ vay vốn lãi suất 2% doanh nghiệp rất muốn nhưng đi kèm đó là những “nỗi sợ”, như hậu kiểm, quy định ra sao, có an toàn không? Chưa kể, dấu hiệu phục hồi chưa rõ nét, cơ hội đầu tư chưa sáng nên doanh nghiệp cũng chưa dám vay vốn.
Bên cạnh đó là do tâm lý e ngại, công tác thanh tra, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích hỗ trợ 2% lãi suất và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất như theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục thanh, kiểm tra, khó khăn về đánh giá khả năng phục hồi trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Tình hình sản xuất kinh doanh đã thay đổi so với thời điểm ban hành chính sách nên nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp cũng thay đổi.
- Mặc dù Thông tư số 02 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đến hết năm 2024, nhưng vô hình trung lại gây áp lực trả nợ kép cho doanh nghiệp ngay tại kỳ tiếp theo 2025. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Thông tư 02/2022/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024 nhận được sự tán thành và ủng hộ từ cộng đồng doanh nghiệp, đáp ứng nguyện vọng và những đề xuất từ phía các hiệp hội và ngân hàng thương mại.
Với 6 tháng tiếp tục được giãn, hoãn thời hạn trả nợ vay ngân hàng, các doanh nghiệp sẽ có thêm bước đệm để phục hồi, “bồi dưỡng” và củng cố thêm nội lực, tiếp tục duy trì hoạt động và có điều kiện tích lũy hoàn trả nợ vay.
Việc kéo dài Thông tư 02 là cần thiết, bởi trong bối cảnh rất nhiều khách hàng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn 2024 – 2025. Người đi vay có thêm thời gian để thực hiện các nghĩa vụ nợ trong khi chờ nền kinh tế phục hồi hoàn toàn vào thời điểm thích hợp.
Với việc gia hạn Thông tư 02, cũng có thể giúp giảm áp lực xử lý nợ xấu cho phía ngân hàng và tạo điều kiện thuận lợi cho phía các doanh nghiệp cho dù chỉ kéo dài thêm 6 tháng. Áp lực lãi suất và trả nợ ngân hàng luôn là mối lo đè chặt trên vai doanh nghiệp.
Hậu quả của dịch COVID-19 làm “tê liệt” nền kinh tế vẫn là những thách thức, khó khăn chưa được giải quyết đối với hầu hết doanh nghiệp, nay tiếp tục là những tác động tiêu cực từ tình hình kinh tế toàn cầu đối với thị trường tiêu thụ khiến cho doanh nghiệp phải đối diện với tình cảnh tồn kho, nợ đọng do khách hàng của chính mình cũng khó khăn tài chính.
Do đó, việc giãn, hoãn thời hạn trả nợ vay mà Ngân hàng Nhà nước mới công bố dù ngắn hạn nhưng chắc chắn sẽ rất hữu ích giúp doanh nghiệp có thêm thời gian tìm kiếm đơn hàng và có thêm tài chính để trang trải các khoản nợ.
- Ông có đề xuất, kiến nghị gì để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới?
Để duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững hơn, trong thời gian tới cần phải đặc biệt quan tâm đến sự hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay chúng ta đã có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng cụ thể các nghị định, thông tư hướng dẫn, chính sách lại chưa đủ liều lượng để vực dậy, cũng như hỗ trợ hiệu quả cho đầu tư khu vực tư nhân.
Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều chính sách và tôi rất đồng tình với những giải pháp ngắn hạn. Trước mắt, sẽ tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cũng như giảm thuế giá trị gia tăng ở mức 2%. Có thể tăng mức giảm này nhiều hơn nữa và thời lượng kéo dài hơn, để vực dậy doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, việc áp dụng mức giảm thuế này chỉ giới hạn cho một số hàng hóa và dịch vụ đã dẫn đến nhiều vướng mắc. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc áp dụng các chính sách giảm thuế do sự phức tạp trong việc phân loại hàng hóa, dẫn đến chi phí quản lý và tuân thủ cao hơn, cũng như gây ra sự chậm trễ trong nhiều hoạt động từ thực thi đến quản lý.
Bên cạnh hỗ trợ trực tiếp, Chính phủ, các bộ, ban, ngành cần xem xét hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục cải cách hành chính. Thậm chí, nghiên cứu thành lập tổ công vụ giúp việc thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
- Trân trọng cảm ơn ông!