Nhà hát Thành phố (Théâtre municipale) được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 và hoàn thành năm 1901. Trước đó thành phố đã có một nhà hát nhỏ ngay góc cạnh đại lộ Bonnard và đường Catinat (vị trí khách sạn Caravelle ngày nay) và trước đó một nhà hát bằng gỗ tạm thời ở gần công trường Place de Genouilly (công trường Mê Linh ngày nay).
Đã có nhiều tranh luận về việc nên xây nhà hát hay không. Nhiều người Pháp ở Sài Gòn và trong Hội đồng Thành phố vào thập niên 1890 cho rằng xây cất nhà hát rất tốn kém trong khi thành phố cần có những công trình khác khẩn cấp hơn như lấp đầm Boresse để xây chợ Mới (chợ Bến Thành), đầu tư nâng cấp hệ thống cung cấp nước cho thành phố. Tờ La Dépêche coloniale illustrée (15.4.1907) viết như sau:
"...
"Ba triệu đồng [francs] lãng phí" nhóm đầu nói; "Nó phải ngốn ít nhất bốn triệu đồng", nhóm hai viết; "Một sự điên rồ chi tiêu năm triệu bạc", những người khác không do dự nói. Còn những người trung hòa và hiểu biết nhất thì cũng phát biểu không đồng lòng về chi phí xây Nhà hát Thành phố nhưng không đưa ra con số chính xác. "Nhà hát sẽ tốn cả triệu", họ kết luận; có phải tốt hơn là nên xây chợ, cống rãnh, dọn dẹp đầm Boresse và cung cấp nước cho thành phố có hơn không?...
Tuy vậy, bằng việc xây nhà hát Tây ở nơi xứ sở xa Pháp này, một cơ sở tiện ích cho công chúng đã được thiết lập. Mở ngoặc đơn ở đây để nói rõ rằng Nhà hát Thành phố Sài Gòn tốn đúng 914.490 đồng piastres và 27 xu, và theo tỷ giá tiền tệ là 2.500.275 francs. Ba kiến trúc sư đã dự thi xây nhà hát, ông Ferret, Genet và Shepherd. Ông Ferret đã được chọn. Sau 4 năm nhà hát được hoàn thành.
...
Tháng 1 năm 1902, các lễ hội được tổ chức để tiếp đón thái tử Đan Mạch và công chúa, người con của Pháp, đã cho nhà hát một cơ hội có cuộc gala khai trương thật sự.
Sài Gòn đã có ông thị trưởng nổi tiếng và đáng tiếc, Paul Blanchy. Khai mạc chính thức và chắc hẳn đã được tổ chức trước đó vào tháng 10 năm 1900. Chương trình trình diễn mỗi năm ở nhà hát, chia ra giữa hai tiết mục trữ tình và kịch tính, kéo dài 6 tháng, từ tháng 10 đến tháng 3. Sự điều hành được xét mỗi năm theo các điều khoản của quy định bảo đảm trợ cấp 200.000 francs mỗi năm chia ra như sau: 70.000 francs cho đoàn nghệ sĩ chi phí đi từ Marseille đến Sài Gòn, tiền trả mỗi tháng 20.000 francs trong sáu tháng cho giám đốc và 10.000 francs để bảo quản dụng cụ đồ đạc của đoàn hát".
Tờ Le Monde artiste illustré: musique, théâtre beaux-arts, littérature ngày 13.1.1901 có tường trình về buổi diễn đầu tiên tại nhà hát như sau:
"Buổi diễn đầu tiên ở Sài Gòn
Tại rạp hát mới ở Sài Gòn, một kỳ quan kiến trúc được khánh thành năm nay, vừa qua là một buổi trình diễn vở La Navarraise, một vở kịch trữ tình của Massenet. Thành công vượt bực. Các binh lính của chúng ta vừa trở về từ Trung Hoa, cũng đã có dịp liên hệ một chút với Pháp bằng sự vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt tác phẩm tuyệt diệu của người thầy Massenet. Mọi người ở Sài Gòn chúc mừng hai vị giám đốc nhà hát mới, ông Aristide Boyer và ông Baroche, đã làm cho thủ phủ của Nam kỳ thành một trung tâm nghệ thuật thật sự... cách Paris đến 4.000 dặm".
Ngoài ra các tháng khác trong năm, nhà hát là nơi tổ chức các buổi diễn thuyết, tiếp đón, lễ hội, trình diễn cải lương, kịch như tiếp đón văn hào Tagore, trình diễn kịch, cải lương gây quỹ cứu nạn nhân thiên tai, giúp các hội thể thao, các đoàn thể sinh viên học sinh với học bổng...
Sau khi Pháp rời khỏi Đông Dương năm 1954, nhà hát sau đó được dùng là Hạ nghị viện của chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho đến năm 1975. Ngày nay tòa nhà trở lại chức năng Nhà hát Thành phố.
Trải qua hơn một thế kỷ, Nhà hát Thành phố vẫn phần nào giữ được nét kiến trúc thuở ban đầu. (còn tiếp)
(Trích Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay; tác giả: Nguyễn Đức Hiệp - Tim Doling - Võ Chi Mai; Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM)