Cuốn sách mở đầu với bối cảnh vào đêm thứ hai mươi bảy của tháng Ramadan, nơi các thiên thần hạ giới và còn được gọi là "đêm thiêng". Tác giả mở màn bằng một cái chết. Đó là những hơi thở cuối của người cha vì danh dự, gia sản... mà đã cải biến con gái thứ 8 của mình trở thành chàng trai gánh vác trọng trách riêng cho gia tộc.
Trong thời điểm linh thiêng ấy, người cha đã trăn trối lại những lời cuối cùng cho nhân vật chính, và chấp nhận cô như con người thật. Lần đầu tiên Zahra được sống đúng như bản chất, từ đó mà cuộc phiêu lưu khám phá danh tính thật sự bắt đầu xuất hiện.
Cũng như cuốn tiểu thuyết trước, ở Đêm thiêng, Tahar Ben Jelloun vẫn sử dụng nghệ thuật kể chuyện theo motif "Nghìn lẻ một đêm", bám theo hành trình của nhân vật chính. Nếu ở Đứa trẻ cát đó là những dị bản khác nhau được kể bằng lời của nhiều người kể chuyện rong, thì ở phần 2, ta thấy ông đã sử dụng yếu tố dân gian nhiều hơn, với những câu chuyện cổ tích để đan cài nó vào một hiện thực khốc liệt, từ đó làm nổi bật lên hệ thống ẩn dụ vô cùng tài tình.
Chẳng hạn sau khi rời đám tang cha, Zahar đã đến với một vùng đất vô cùng mê hoặc, nơi chỉ có những đứa bé hồn nhiên và chàng hoàng tử đã "bắt cóc" cô về chốn này. Như một con người hoàn toàn nguyên nhiễm, cô trải nghiệm những ngày ngắn ngủi hạnh phúc tại nơi đây, trước khi bị buộc phải rời khỏi đó chính vì tình yêu cũng như tội lỗi mang tính khởi thủy, khi giết chết đi điều thuần khiết nhất.
Cũng kể từ đó, con người Zahar biết thế giới này là không đơn giản. Trên đường đi, cô đã nếm trải khoảnh khắc dục tính đầu tiên khi là một người phụ nữ, nhưng khốn khổ thay, nó lại đến từ sự không thuận tình. Chính ở điểm này, Tahar Ben Jelloun đâu đó ẩn dụ chính cho hình tượng của người phụ nữ trong xã hội Hồi giáo truyền thống - những người không có tiếng nói và chỉ có thể nếm trải những khoái lạc qua sự cưỡng ép.
Theo chiều diễn tiến, Zahar lạc đến một phòng tắm hơi, ở đó cô đã gặp được người đàn bà có biệt danh Bàn tọa, và em trai - Lãnh sự - người dạy giáo lý bị mù mắt. Nhận thấy điều gì ở cô thiếu nữ bỏ nhà ra đi, cả 2 đã giữ cô lại nhưng cũng từ đó muôn vàn diễn biến đã xảy ra, khi người chị nhận ra người thân yêu nhất của mình đang dần yêu Zahar và bỏ rơi mình.
Tình trạng côi cút của người chị khi phải dựa dẫm vào một nhân vật cũng đầy bất toàn chính là đại diện cho một Maroc đã phải tồn tại dưới sự bành trướng của chủ nghĩa thuộc địa. Những người dân này buộc phải trải qua một sự tranh chấp: giữa những giá trị truyền thống - đại diện cho người chị, và những tư tưởng mang tính hiện đại - là Zahar với những thay đổi ngấm ngầm vẫn đang diễn ra, trong sự tự do thể hiện bản thân và những khao khát rất con người.
Nhưng cũng xây đắp từ trên thù hằn, người đàn bà ấy nhanh chóng vạch mặt Zahar, và mọi quá khứ cô muốn che giấu bung bét hết cả. Bằng một âm mưu trù tính kỹ càng, cô đã gặp lại người chú tham lam và trong khoảnh khắc không thể kiềm chế, cô đã giết y như cách duy nhất vứt bỏ quá khứ. Cô bị kết tội, vào tù, thế nhưng mọi việc không dừng ở đó. Những người chị gái từng bị cô dưới dáng vẻ là một bé trai làm cho lu mờ, giờ quay trở lại và trừng phạt cô với những hình thức tàn bạo nhất.
Điều này cho thấy một sự chia rẽ giữa những ngả đường như đã nói trên của nhiều sắc dân trong một đất nước biến đổi từng ngày. Ở đó quá khứ không thể yên ngủ, và đợi chờ nó là sự trả thù không thể ngơi tay. Đó cũng là một biểu hiện của việc phụ nữ không thể có tiếng nói riêng, họ lẳng lặng chịu đựng, và khi có được cơ hội, hành động trả thù rồi sẽ khiến ta không thể tin nổi vì sự khắc nghiệt.
Vì thế Zahar tự che mắt mình, cô đã từ chối nhìn thấy ánh sáng như sự kết nối với người mình yêu đó là Lãnh sự, nhưng cũng đồng thời là để khước từ hiện thực khốc liệt. Trong trạng thái đờ đẫn giữa hư và thực, giữa tự ru lòng và thực tế đó, ít nhiều cô đã nhìn thấy lối thoát cho bản thân mình, khi đi sâu vào tận trong tâm khảm và dần chấp nhận số phận dành riêng.
Bóng tối mà nhân vật này đã lánh mình vào như lời kêu khóc cho một hiện thực không hề có mắt, nơi sự hòa giải giữa quá khứ tội lỗi và tương lai vị tha không bao giờ đến. Nơi đó con người chỉ có thể sống bằng cách giới hạn bản thân, phân mảnh từng thời khắc một thành những mảnh nhỏ mà mình hiện tồn, không hít, không thở và không thực sống.
Chính hình tượng này cũng nhắc ta nhớ đến đại văn hào Argentina - J.L.Borges, người cũng không thể nhìn thấy vào cuối đời mình, và trong rất nhiều truyện ngắn, ông đã nhắc đến nghịch lý về sự phân mảnh thời gian, coi đó là điều bất khả mà con người ta có thể đang sống mà không thực sống, để chỉ hiện tồn khi đời khốc liệt và rồi thực sống khi mà mọi thứ đã dần qua đi.
Kết thúc tác phẩm, Tahar Ben Jelloun cũng đã nối lại chính vòng tròn ấy, để cho ta thấy sau cơn bĩ cực đến hồi thái lai. Đây không chỉ là một tiếng reo ca riêng cho nhân vật, mà còn đồng thời cho người phụ nữ và một đất nước với nhiều khốc liệt. Bằng hệ thống hình tượng độc đáo và nghệ thuật viết đậm tính thơ ca, Đêm thiêng cho thấy tài năng của Tahar Ben Jelloun, cùng một tiếng nói phản ánh hiện thực vô cùng sắc sảo.
Tahar Ben Jelloun là nhà văn, nhà thơ, nhà tâm lý học, sinh năm 1944 tại Morocco. Vì những biến động chính trị mà năm 1971, ông chuyển đến Paris (Pháp), bắt đầu cuộc đời gắn bó lâu dài với đất nước này. Năm 1987, ông nhận giải thưởng Goncourt danh giá với cuốn Đêm thiêng. Năm 2005, ông được trao giải Ulysse cho toàn bộ văn nghiệp. Năm 2008, ông được bầu vào ghế thứ 6 của Hội Văn học Goncourt.