3 bị cáo còn lại bị xét xử vắng mặt do bỏ trốn, đang bị truy nã, HĐXX tuyên phạt: bị cáo Trần Mạnh Hà (cựu Phó tổng giám đốc AIC) 19 năm tù, tổng hợp hình phạt ở các bản án trước, buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung 30 năm tù; bị cáo Trần Đăng Tấn (cựu Trưởng văn phòng đại diện AIC tại TP.HCM) 18 năm tù; bị cáo Đỗ Vân Trường (cựu Tổng giám đốc Công ty CP Mopha thuộc hệ sinh thái AIC) từ 4 năm tù.
Đối với 3 bị cáo là cựu cán bộ tại TP.HCM nhận tiền từ AIC, HĐXX tuyên phạt bị cáo Dương Hoa Xô (cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học) từ 15 năm tù về tội nhận hối lộ 14,4 tỉ đồng của AIC, trong đó hưởng lợi 11,35 tỉ đồng. Bị cáo Xô đã nộp lại toàn bộ tiền hưởng lợi.
Tuyên phạt bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM) 7 năm 6 tháng tù, bị cáo Phan Tất Thắng (Phó trưởng phòng Kinh tế, Sở KH-ĐT TP.HCM) 4 năm 4 tháng tù cùng về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
7 bị cáo còn lại vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, HĐXX tuyên phạt:
Bị cáo Nguyễn Đăng Quân (cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, chủ tịch hội đồng khoa học) 8 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Viết Thạch (cựu Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM) 5 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Trần Long (cựu chuyên viên Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM) 4 năm tù.
Bị cáo Trần Vinh Vũ (cựu Giám đốc Công ty Hồng Hà) 3 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Minh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty TNHH kiểm toán và dịch vụ tin học TP.HCM - AISC) 4 năm tù.
Bị cáo Hồ Tấn Mạnh (cựu Tổng giám đốc Công ty thẩm định giá SEAAC) 4 năm tù.
Bị cáo Huỳnh Tấn Vĩnh (cựu Giám đốc Công ty CP tư vấn Nguyên Châu) 3 năm 6 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và AIC cùng liên đới theo phần bằng nhau bồi thường 94,6 tỉ đồng cho Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. HĐXX cũng tuyên tịch thu toàn bộ số tiền các bị cáo, người liên quan thu lợi bất chính, nộp vào ngân sách nhà nước.
Theo HĐXX, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bị cáo Dương Hoa Xô thống nhất thông thầu, dẫn đến không có tính cạnh tranh trong đấu thầu, tạo điều kiện cho AIC tiếp cận, trúng 8 gói thầu thuộc dự án mua sắm trang thiết bị 12 phòng thí nghiệm tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. Đồng thời, các bị cáo nâng khống 40% giá trị gói thầu, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 94,6 tỉ đồng.
Lý do không tạm đình chỉ bị can, vụ án đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Về việc bị cáo Nhàn có bỏ trốn hay không, HĐXX phân tích thời điểm khởi tố bị can, bà Nhàn không có mặt tại nơi cư trú, cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng các biện pháp theo quy định như tống đạt, niêm yết, đăng thông tin trên các cơ quan đại chúng, nhưng bị can Nhàn vẫn không có mặt để nhận các quyết định tố tụng. Đồng thời, qua xác minh, bị cáo Nhàn cũng không có mặt tại nơi cư trú nên xác định Nhàn bỏ trốn và ra quyết định truy nã là có căn cứ.
Về việc đề nghị của luật sư cho rằng cần tạm đình chỉ đối với Nhàn và 3 bị cáo đang bị truy nã, chờ bắt xử lý sau để đảm bảo quyền lợi cho 4 bị cáo này, HĐXX nhận định theo Điều 229 và Điều 247 bộ luật Tố tụng hình sự, việc tạm đình chỉ chỉ bị can, tạm đình chỉ vụ án khi hành vi của bị can đó không liên quan đến tất cả bị can khác trong vụ án. Song, trong vụ án này, bị cáo Nhàn là chủ mưu, người tổ chức, và hành vi phạm tội của 3 bị cáo còn lại đều liên quan đến các bị cáo khác nên việc không tạm đình chỉ nhằm giải quyết triệt để vụ án.
"Dù xét xử vắng mặt, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng vẫn đảm bảo quyền bào chữa cho các bị cáo bằng việc chỉ định luật sư tham gia. Xét thấy sự vắng mặt của các bị cáo không gây trở ngại việc xét xử nên vẫn xét xử vắng mặt các bị cáo", HĐXX đánh giá.