Trong nửa đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp đã phục hồi tích cực, đóng góp hiệu quả cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và đột phá trong những tháng còn lại và năm tiếp theo, cần có giải pháp tiếp sức doanh nghiệp sản xuất một cách hiệu quả hơn.

Trao đổi với DĐDN, bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho biết: triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại hàng hoá toàn cầu phục hồi tốt hơn đã tác động tích cực đến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, tạo điều kiện cho sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi và tăng trưởng. Hơn nữa, chỉ số PMI duy trì trên 50 điểm trong 4/5 tháng liên tiếp cho thấy sản xuất công nghiệp có xu hướng mở rộng.

- Sản xuất công nghiệp tăng trưởng rõ nét hơn cho thấy “sức khoẻ” và niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp đang dần dần được cải thiện, thưa bà?

Chỉ số kinh tế 6 tháng đầu năm cho thấy ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi rõ nét hơn. Trong đó, nhóm ngành chế biến chế tạo - động lực tăng trưởng cho ngành công nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế có chỉ số tiêu thụ tăng cao hơn chỉ số sản xuất là 2,3 điểm phần trăm. Con số này cho thấy chỉ số tồn kho giảm ở mức thấp hơn nhiều so với mức tồn kho cuối năm 2023. Đơn hàng quay trở lại, một số ngành công nghiệp quan trọng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu nhờ vậy tăng trưởng cao so với cùng kỳ như điện - điện tử tăng 17,4% trong quý 2 so với mức tăng 0,3% trong quý 1; gỗ và sản phẩm từ gỗ có mức tăng trưởng trên dưới 20%/tháng và duy trì liên tục trong 6 tháng; dệt may và da giày đang phục hồi tốt so với cuối năm ngoái, trong đó ngành dệt tăng trưởng khá…

Nhớ lại thời điểm cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm ngoái, doanh nghiệp phản ánh tình trạng thiếu điện và cắt điện luân phiên xảy ra liên tục. Nhưng, sang năm nay, thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương, tình trạng này đã không còn xảy ra, nguồn điện đảm bảo cung ứng ổn định, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, dù năm nay chúng ta đều thấy nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao hơn.

- Theo phản ánh từ một số hiệp hội, ngành hàng cho thấy, dù sản xuất và xuất khẩu đang phục hồi nhưng kết quả này chưa bền vững, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới còn tiềm ẩn rủi ro, thưa bà?

Dự báo sản xuất công nghiệp quý 3 tiếp tục khả quan hơn quý 2, song chúng tôi nhận định sản xuất công nghiệp trong những tháng còn lại của năm còn nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm tăng cao hơn năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn năm 2021, 2022 và những năm trước dịch trong điều kiện sản xuất bình thường cho thấy, sản xuất công nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn. Trong khi 3/4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực là chế biến chế tạo, điện và nước tăng trưởng khá thì khai khoáng đóng góp 16% giá trị tăng thêm trong toàn ngành công nghiệp vẫn tiếp đà giảm từ nhiều năm. Dự báo thời gian tới, khai khoáng vẫn tiếp tục sụt giảm. Thêm nữa, một số ngành khác, tín hiệu phục hồi chưa tích cực, chưa rõ nét như xi măng và nhóm ngành từ xi măng, sản xuất ô tô xe máy, sản xuất bia.

Giải phóng nguồn lực để phục hồi “sức khỏe” doanh nghiệp

Tổng cầu thế giới tuy đã có dấu hiệu phục hồi nhưng những bất định liên quan đến căng thẳng địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng… có thể vẫn tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm gia tăng chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, những quy định, chính sách, tiêu chuẩn sản xuất của các nước ngày càng cao, đòi hỏi doanh nghiệp chủ động thay đổi và thích ứng để tồn tại và phát triển. Những khó khăn này của doanh nghiệp sản xuất ít nhiều đã được đề cập. Để tháo gỡ khó cho doanh nghiệp, năm nay, chúng tôi đã thực hiện khảo sát chuyên đề tại các doanh nghiệp trong những nhóm ngành công nghiệp chủ lực, có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở đó, lượng hoá khó khăn bằng các con số cụ thể để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ để có giải pháp hỗ trợ phù hợp doanh nghiệp.

- Những điểm nghẽn nào đã được nhận diện từ các con số lượng hoá, thưa bà?

Đối với yếu tố thị trường đầu ra, khó khăn lớn nhất đến từ cầu trong nước yếu với 53,8% doanh nghiệp đánh giá. Với yếu tố đầu vào, điểm nghẽn lớn nhất là chi phí nguyên nhiên vật liệu, chi phí dịch vụ tăng cao gây khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp đến là vốn cho sản xuất và lãi suất đã giảm nhưng ở mức cao.

Theo nhóm ngành, những điểm nghẽn được nhận diện theo từng lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, với nhóm ngành dệt may, da giày, điện và điện tử khó khăn lớn nhất là thiếu đơn hàng xuất khẩu và thiếu lao động có tay nghề, kỹ năng theo đúng yêu cầu; với ngành sản xuất từ khoáng và kim loại, khó khăn nhất lại là nhu cầu thị trường trong nước thấp, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt. Với nhóm ngành sản xuất chế biến thực phẩm và đồ uống, khó khăn đến từ nguyên nhiên vật liệu đầu vào hay ở ngành sản xuất ô tô, xe máy, khó khăn xuất phát từ yếu tố nội tại là thiết bị công nghệ lạc hậu, cầu thị trường nước ngoài thấp…

- Từ những khó khăn trên, theo bà, đâu là những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thiết thực và hiệu quả?

Các nhóm kiến nghị của doanh nghiệp tập trung vào các yếu tố liên quan đến thị trường đầu ra, vốn, nguồn nhân lực, nguyên nhiên vật liệu đầu vào sản xuất. Cụ thể, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có biện pháp kích cầu trong nước, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị giảm áp lực chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn bà!