Đó là chia sẻ của ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam với DĐDN về mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2024.
- Với mức tăng trưởng GDP quý II/2024 đạt 6,93%, 6 tháng đạt 6,42%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm 7%. Ông bình luận về vấn đề này như thế nào?
Chúng ta hoàn toàn có thể đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5%. Cơ sở của tăng trưởng GDP cao của năm 2024 bởi khu vực tư đang khởi sắc, quý II tăng trưởng đạt 6,93%, tính chung 6 tháng đạt 6,43%.
Đà tăng trưởng này có dấu ấn của khu vực kinh tế tư nhân, cùng với sự dẫn dắt của khu vực công… nên việc đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% là hoàn toàn khả thi, thậm chí trên 7%.
Vì, khi 03 Luật có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ tác động rất lớn đến thị trường bất động sản, lĩnh vực mà 6 tháng đầu năm gặp rất nhiều khó khăn.
Với các quy định mới thông thoáng, thuận lợi hơn, thị trường bất động sản có thể có tín hiệu khởi sắc trong 6 tháng cuối năm, tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.
Khi thị trường bất động sản được tháo gỡ thì dòng tiền trong nền kinh tế sẽ được lưu thông, vì với một dự án bất động sản đang bị thiếu vốn nếu được vay để triển khai tiếp thì các ngành nghề cung ứng như vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép… sẽ được phục hồi, từ đó sẽ thúc đẩy nền kinh tế trỗi dậy.
- Mặc dù, tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt được mục tiêu. Song, theo ý kiến chuyện gia kinh tế thì vẫn còn nhiều thách thức cũng như rủi ro, như nhu cầu toàn cầu suy giảm do phục hồi kinh tế chậm, căng thẳng địa chính trị kéo dài, lãi suất cao kéo dài ở Mỹ sẽ gây áp lực lên đồng tiền Việt Nam… thưa ông?
Những ý kiến nêu trên cũng không thể loại trừ, vì có một số nước vẫn chưa trở lại trạng thái phát triển bình thường như trước đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột vũ trang cũng khiến cho việc phát triển chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Như chúng ta đã biết, Việt Nam có độ mở nền kinh tế rất lớn nên chắc chắn sẽ phải chịu tác động từ các yếu tố khách quan trên. Tuy nhiên, chúng ta đã có kinh nghiệm ứng phó, từ những nước áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, đến nước chấp nhận lạm phát để kích thích tăng trưởng.
Với thị trường xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng liên tục biến động… những thách thức này chúng ta đã “chịu đựng” quen từ đại dịch Covid-19. Đến thời điểm này cũng đã mở lại giao thương với các thị trường truyền thống và phát triển thêm thị trường mới. Với lĩnh vực du lịch, trong đại dịch ngành này gần như “đứng im”, hiện nay đã sôi động như trước thời điểm Covid-19. Qua đây cho thấy, kinh tế thế giới hiện đã hồi phục chứ không còn “ảm đạm”.
Mặc dù, những yếu tố tác động khác của nền kinh tế thế giới trước đây vẫn còn tồn tại, nhưng chúng ta đã phục hồi từ năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 mức tăng trưởng đã đạt như trước đại dịch Covid-19.
Việt Nam ứng phó với những khó khăn bằng chính sách tài khoá, tiền tệ linh hoạt, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng... Đây là những dấu ấn lớn trong điều hành nền kinh tế của Chính phủ. Nếu không có yếu tố bất lợi, tôi tin tăng trưởng GDP của Việt Nam còn cao hơn 7%.
- Có điểm đáng chú ý, đó là cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn với 71,4 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Ông có đề xuất giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay?
Chúng ta vẫn nói doanh nghiệp Việt Nam vừa nhỏ vừa yếu, nhưng giải pháp hỗ trợ lại chưa đi vào thực chất, từ chính sách phát triển công nghiệp nói chung đến chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ nói riêng.
Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh hỗ trợ công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, đến nay chính sách này vẫn “chưa có gì” cụ thể. Các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nhưng tiếp cận vốn rất khó khăn nên không thể mở rộng sản xuất.
Nếu không có Luật về công nghiệp hỗ trợ, thì mọi chính sách vẫn chỉ trên “bàn giấy”, do thiếu từ thể chế đến thiết chế hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng ta kêu gọi hỗ trợ nhưng cụ thể hỗ trợ cái gì? Tạo thông thoáng thì thông thoáng ở khâu nào?
Điều cần nhất đối với DNNVV lúc này là nguồn vốn, do đó có chính sách tốt nhất để doanh nghiệp tiếp cận vốn rẻ và thủ tục nhanh gọn nhất. Luật Công nghiệp hỗ trợ có thể cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp. Quỹ là dòng “vốn mồi” để doanh nghiệp tiếp cận ngân hàng, hoặc bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng.
Thực tế, các DNNVV Việt Nam vẫn chủ yếu “tự bơi” trong thị trường. Trong khi, các doanh nghiệp tại các nước luôn nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ về chính sách, vật chất và nguồn vốn.
- Trân trọng cảm ơn ông!