Samsung Việt Nam vừa có một sự cố khá “mất mặt”. Tuần vừa rồi, Samsung tổ chức sự kiện trực tuyến Unpacked để giới thiệu loạt sản phẩm công nghệ mới.
Những sản phẩm này được cho là đóng vai trò chủ lực của Samsung trong thời gian tới. Đó là smartphone màn hình gập Galaxy Z Fold6 và Z Flip 6, nhẫn thông minh Galaxy Ring, đồng hồ thông minh Watch 7 và Watch Ultra.
Sự kiện được truyền hình trực tiếp từ thủ đô Paris của nước Pháp và phát trên nhiều nền tảng truyền thông, mạng xã hội trên toàn thế giới.
Thế rồi giữa buổi phát sóng ở Việt Nam, màn hình bỗng xuất hiện một cửa sổ thông báo từ hãng phần mềm đồ họa nổi tiếng Adobe:
“Ứng dụng của bạn đã bị vô hiệu hóa - Ứng dụng Adobe không được cấp phép của bạn đã bị vô hiệu hóa. Hãy thay thế ứng dụng đó bằng ứng dụng Adobe chính hãng và tiết kiệm đến 40%”.
“Sự cố” này xảy ra vì chiếc máy tính đang tiếp sóng sự kiện của Samsung đang dùng phần mềm Adobe lậu. Đây là một sự cố khá “mất mặt” cho Samsung vì họ đường đường là một hãng công nghệ hàng đầu thế giới mà lại có phần mềm lậu trong mạng lưới của mình.
Sau sự kiện, công ty truyền thông đối tác với Samsung, đơn vị tổ chức ở đầu cầu Việt Nam đã mau lẹ lên tiếng nhận lỗi, khẳng định lỗi này là của mình và không liên quan tới Samsung. Tuy nhiên, dù gì thì sự việc này cũng xảy ra dưới cái tên Samsung khiến uy tín của họ không thể không bị ảnh hưởng.
Thậm chí, Adobe còn nhanh chóng “bắt trend”, ra ngay lời mời: “Samsung ơi, hãy mua bản quyền phần mềm, chúng tôi giảm giá cho bạn 15%”. Quả là một sự ngượng “không hề nhẹ”.
Sử dụng những “sự xấu hổ” kiểu này chính là một chiến lược bảo vệ bản quyền và bán hàng khá kinh điển của các hãng phần mềm. Nổi tiếng nhất có lẽ là chiến lược của hãng phần mềm nén và giải nén Winrar.
Winrar là một phần mềm, một thời được coi là “quốc dân” trên máy tính, hầu như ai cũng cài trên máy của mình.
Thế nhưng đây không phải là một phần mềm miễn phí, mà là một sản phẩm người dùng phải mua bản quyền. Như rất nhiều các phần mềm khác trên thị trường, Winrar cũng cho phép người dùng dùng thử miễn phí một thời gian trước khi “bắt” phải mua bản quyền.
Nhưng điều thú vị ở đây là, đối với hầu hết các phần mềm cho dùng thử, hết thời hạn dùng thử là sẽ không dùng được nữa hoặc bị hạn chế rất nhiều tính năng. Song với Winrar, khi hết thời gian dùng thử, người dùng vẫn thoải mái sử dụng tiếp phần mềm với đầy đủ tính năng như bình thường.
Điểm khác biệt duy nhất là mỗi khi dùng, phần mềm sẽ nhẩy lên một khung cảnh báo:
“Vui lòng nhớ rằng WinRAR không phải là một phần mềm miễn phí. Sau khi sử dụng thử trong 40 ngày, bạn phải mua bản quyền hoặc gỡ bỏ phần mềm ra khỏi máy”.
Người dùng chỉ cần bỏ ra 1 giây để tắt cái cảnh báo này đi và lại tiếp tục sử dụng như bình thường. Chính vì sự kỳ quặc này mà người dùng Việt Nam một thời đã có hẳn câu ví von “mãi mãi như dùng thử Winrar”.
Câu hỏi đặt ra là nếu dùng thử miễn phí mãi mãi như vậy thì công ty này kiếm tiền bằng cách nào.
Câu trả lời là Winrar không kiếm tiền từ người dùng lẻ mà họ sẽ lấy tiền từ các công ty, tập đoàn lớn. Và cách lấy tiền chính là sử dụng những “khoảnh khắc xấu hổ” kiểu như của Samsung ở trên.
Đổi với một cá nhân, cái thông báo bản quyền kia chỉ mất 1 giây để tắt đi và chẳng có vấn đề gì xẩy ra. Nhưng đối với những tập đoàn “tỷ đô”, những người làm việc với những dự án hàng triệu đô thì dòng cảnh báo kia có rất nhiều vấn đề.
Hãy tưởng tượng, dòng chữ nhắc mua bản quyền phần mềm này hiện lên giữa lúc đang đàm phán với nhau những hợp đồng triệu đô, những lúc thuyết trình dự án nhiều triệu đô. Một công ty không sẵn lòng bỏ ra 29,9 đô để mua một bản quyền phần mềm chắc chắn sẽ mất uy tín, mất hình ảnh của mình ngay lập tức.
Chính vì thế, các công ty phải bỏ tiền ra để mua bản quyền phần mềm để tránh bất kỳ việc “xấu hổ” nào sẽ xảy ra trong tương lai. Nhờ vậy, Winrar bán được phần mềm đều đều và vẫn đang sống khỏe tới giờ.
Thế mới thấy, chỉ một thông báo nhỏ về bản quyền có thể mang lại ảnh hưởng lớn đến thế nào.