Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024 của ngành kế hoạch và đầu tư được ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Áp lực tăng trưởng
Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2024, ông Nguyễn Chí Dũng đánh giá, với tinh thần tiên phong đi đầu trong cải cách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu, cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn chiến lược thành các nhiệm vụ, giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, cách thức thực hiện mới để đạt kết quả cao nhất.
Điển hình, Bộ đã tham mưu Chính phủ chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo rà soát các vướng mắc, điểm nghẽn ở tầm luật, xây dựng một luật sửa nhiều luật; nghiên cứu mở rộng áp dụng các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù; cơ chế tháo gỡ cho các doanh nghiệp, dự án tại một số địa phương đã phát huy hiệu quả…
Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, trên cơ sở lắng nghe thực tế hoạt động, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, hiệp hội… Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu, kiến nghị triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, đổi mới công nghệ, áp dụng các mô hình kinh doanh mới… nhằm phát huy hơn nữa cơ hội từ chuyển dịch dòng vốn FDI toàn cầu, các FTA đã ký kết, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, nhất là với các nền kinh tế lớn.
Kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2024 là rất quan trọng, tạo tiền đề cho phục hồi trở lại của nền kinh tế, nhất là khi Chính phủ vừa mới quyết nghị kịch bản tăng trưởng năm 2024 phấn đấu ở mức cận trên là 6,5-7%, cao hơn mục tiêu 6-6,5% tại Nghị quyết của Quốc hội cũng như dự báo của các tổ chức quốc tế.
Mục tiêu tăng trưởng trên được thực hiện trong bối cảnh dự báo còn nhiều khó khăn và thách thức. Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 5 vấn đề cần quan tâm của nền kinh tế. Đó là áp lực tăng trưởng lớn; thách thức trong kiểm soát lạm phát, tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô do tác động từ bên ngoài.
Đặc biệt, tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn, đầu tư tư nhân phục hồi chậm; chi phí sản xuất tăng cao; doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh để duy trì sức cạnh tranh, đơn hàng tại thị trường xuất khẩu…. Các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, AI, chíp, bán dẫn… chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới và khu vực. Trong khi đó, thể chế, chính sách, quy định pháp luật còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ.
Chủ động kiến tạo, nắm bắt cơ hội phát triển
Từ thực tế trên, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh 10 nhiệm vụ chủ yếu trọng tâm mà toàn ngành cần nỗ lực thực hiện trong những tháng cuối năm.
Trong đó, yếu tố căn bản, gốc rễ là nêu cao hơn nữa tinh thần quyết tâm cải cách, cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược, tư duy phát triển mới thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới. Trên cơ sở đó, củng cố và khơi thông nội lực, tranh thủ ngoại lực, góp phần đưa nền kinh tế phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.
Cùng với đó xác định lấy cải cách thể chế làm khâu đột phá, động lực cho phát triển; tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định mới ban hành; chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi các quy định còn vướng mắc, bất cập và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Tổng kết và nghiên cứu mở rộng các chính sách hiệu quả trong các cơ chế thí điểm đặc thù cho địa phương…
Trong hoạt động của doanh nghiệp, chú trọng rà soát, sửa đổi ngay các quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… không phù hợp với thực tế, không cần thiết cho quản lý nhà nước; tháo gỡ, giải quyết, xử lý nhanh các dự án, đất đai tồn đọng để giải phóng nguồn lực cho phát triển.
Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi mô hình sản xuất… Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Với các động lực tăng trưởng mới, nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các lĩnh vực mới, các ngành kinh tế mới nổi như chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng thực hiện, tạo điều kiện và môi trường để thu hút đầu tư tư nhân, vốn FDI…