Điện thoại, đồng hồ, mắt kính… sẽ được tích hợp AI nhiều hơn

07:40 - 13/11/2024

Trình bày tham luận tại ICEBA2024 vào sáng 11.11, ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật cấp cao của Synopsys Việt Nam, cho biết trong tương lai gần, các thiết bị gần gũi sẽ được tích hợp AI ngày càng nhiều.

Trình bày tham luận "Các xu hướng phát triển vi mạch trí tuệ nhân tạo cận biên (Edge AI)" tại Hội nghị quốc tế lần thứ 5 về kỹ thuật, vật lý, MEMS - cảm biến y sinh và ứng dụng (ICEBA2024) vào sáng 11.11, ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật cấp cao của Synopsys Việt Nam, cho biết trí tuệ nhân tạo (AI) hiện cần rất nhiều nguồn lực xử lý, bộ nhớ và năng lượng. Đây là xu hướng mới dẫn dắt và tạo ra cơ hội mới cho ngành vi mạch, đặc biệt trong mảng thiết kế phát triển những loại chip chuyên dùng hoặc chip tích hợp cho các ứng dụng AI.

Tốc độ phát triển AI nhanh hơn nhiều lần khả năng đáp ứng về phần cứng

AI cũng sẽ giúp cho tăng tốc sự tiến bộ và phát triển xã hội đem lại lợi ích to lớn cho con người. Trong tương lai gần, tỷ lệ các sản phẩm có sử dụng ứng dụng AI trong đời sống hằng ngày sẽ tăng rất nhanh. Đây được coi như là một xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, hiện tại việc phát triển các vi mạch sử dụng cho AI vẫn đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là về nguồn năng lượng, bộ nhớ và hạn chế hệ thống giao tiếp để truy xuất các truy vấn của người dùng đầu cuối. Đây sẽ là cơ hội cho các vi mạch hỗ trợ trí tuệ nhân tạo cá nhân và cận biên.

Cũng theo ông Phúc Vinh, những thiết bị gần gũi, sử dụng hằng ngày (như điện thoại, đồng hồ, mắt kính hay camera quan sát …) được tích hợp AI sẽ nhiều hơn trong tương lai và giúp ích rất nhiều cho chúng ta. Ông Vinh đưa ra ví dụ để hình dung về trí tuệ nhân tạo cận biên (Edge AI), khi sử dụng một mắt kính AI, nhìn vào một sản phẩm nào đó, chúng ta có thể truy vấn có những thành phần nào trong đó, sử dụng nó như thế nào, lịch sử về giá, xuất xứ gần như ngay lập tức.

Điện thoại, đồng hồ, mắt kính… sẽ được tích hợp AI nhiều hơn

Ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật cấp cao của Synopsys Việt Nam, trình bày tham luận tại hội nghị

ẢNH: YẾN THI

Tuy nhiên, theo ông Vinh, tốc độ phát triển về AI hiện đang nhanh hơn nhiều lần khả năng đáp ứng về phần cứng, thách thức này đặt ra nhu cầu đầu tư nhiều hơn về các nghiên cứu giúp tối ưu và tăng tốc thiết kế phần cứng về AI. Nhưng phải nhìn nhận, đó cũng là cơ hội cho rất nhiều nghiên cứu viên cũng như các giảng viên. Họ có thể tìm ra những điểm mới, điểm mạnh về thuật toán, phần cứng và từ đó có thể phát triển các hệ thống phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng về chip vi xử lý AI.

Bên cạnh tham luận của ông Nguyễn Phúc Vinh, ICEBA2024 cũng quy tụ nhiều nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đang thực hiện các nghiên cứu về kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật công trình, vật lý kỹ thuật, vi mạch bán dẫn để ứng dụng vào các lĩnh vực như: Kỹ thuật y sinh, khoa học sức khỏe, xây dựng, nông nghiệp công nghệ cao, thành phố thông minh.

Hội nghị ICEBA2024 diễn ra trong 2 ngày 11-12.11, do Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp với Trường ĐH Xây dựng miền Tây ( Vĩnh Long) và Trường ĐH Tohoku (Nhật Bản) tổ chức.

Điện thoại, đồng hồ, mắt kính… sẽ được tích hợp AI nhiều hơn

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ cho ICEBA2025 lần thứ 6

ẢNH: YẾN THI

Nhiều hoạt động khoa học tại Hội nghị khoa học lần thứ 14

Cũng trong 2 ngày 11-12.11, tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên đồng thời diễn ra Hội nghị khoa học trái đất và phát triển bền vững (Conference on Earth Sciences and Sustainable Development – CESD).

ICEBA2024 và CESD nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc Hội nghị khoa học lần thứ 14 - năm 2024 tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Hội nghị khoa học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên được tổ chức định kỳ mỗi 2 năm một lần. Hội nghị khoa học lần thứ 14 năm 2024 có chủ đề “Khoa học công nghệ hướng tới tương lai xanh và thông minh".

Trao đổi bên lề hội nghị, PGS.TS Trần Minh Triết, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cho biết nhà trường luôn mong muốn tổ chức các hoạt động về khoa học công nghệ để các giáo sư, chuyên gia có dịp trao đổi với người học những kiến thức, lĩnh vực mới trong nước cũng như trên thế giới và khả năng ứng dụng vào cuộc sống.

"Năm nay, các hội nghị tại trường được phát triển mang tính quốc tế, có thể mời được các chuyên gia từ nhiều nước trên thế giới đến trình bày, thu hút các bài báo từ các trường trên thế giới đến tham dự”, PGS.TS Trần Minh Triết cho biết thêm.

Chuỗi sự kiện hội nghị lần thứ 14 diễn ra từ 11-26.11, bao gồm 7 tiểu ban và 6 hội nghị quốc tế với 828 báo cáo khoa học từ các nhà khoa học trong và ngoài nước. Ngoài ra, 3 sự kiện/hội nghị quốc tế khác được nhà trường phối hợp với các trường/ĐH khác tổ chức trước và sau chuỗi sự kiện này, với hơn 260 báo cáo khoa học.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha