Theo vụ án, ngày 12.8.2022, Công ty CP Thép Dana - Ý (gọi tắt: Dana - Ý) ký hợp đồng đặt cọc bán cho Công ty CP Trung Nam (gọi tắt: Trung Nam) 15 ha đất CCN Thanh Vinh với giá 930 tỉ đồng, Trung Nam thanh toán từng đợt tương ứng nghĩa vụ mỗi bên phải thực hiện.
Trong tháng 8.2022, Trung Nam đã đặt cọc 93 tỉ đồng đợt 1 vào tài khoản tạm khóa tại ngân hàng. Dana - Ý cho rằng Trung Nam không chuyển cọc đợt 2 là vi phạm thỏa thuận nên chấm dứt hợp đồng và khởi kiện để tòa tuyên Dana - Ý được hưởng 93 tỉ đồng tiền cọc, đồng thời phạt Trung Nam lãi chậm trả hơn 16,22 tỉ đồng.
Trung Nam cho rằng, sau khi đặt cọc đợt 1, Dana - Ý không cung cấp đủ hồ sơ, chứng từ pháp lý 15 ha đất, Dana - Ý bán đất đang tranh chấp, vi phạm điều cấm của pháp luật, các cổ đông không ký vào biên bản bán, nên nếu đặt cọc đợt 2 sẽ rủi ro. Trung Nam phản tố đề nghị tòa tuyên hợp đồng trên vô hiệu, trả lại Trung Nam tiền cọc, phạt cọc Dana - Ý 93 tỉ đồng nhưng sau đó rút lại yêu cầu phạt cọc.
Ngày 14.12.2023, TAND Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) xét xử sơ thẩm, tuyên Trung Nam mất cọc 93 tỉ đồng, không chấp nhận phản tố của Trung Nam cũng như yêu cầu của Dana – Ý phạt lãi Trung Nam.
Ngày 19.4.2024, TAND TP.Đà Nẵng xét xử phúc thẩm, bác kháng cáo của cả 2 công ty, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tiếp đó, Trung Nam đề nghị giám đốc thẩm. Theo nhận định của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, trong 15 ha đất, khu 1 (13 ha) đã được UBND TP.Đà Nẵng cấp 27 GCNQSDĐ cho Dana – Ý với mục đích đất KCN, thời hạn sử dụng lâu dài, nhưng pháp luật quy định "thời hạn sử dụng đất KCN không quá 70 năm" nên GCNQSDĐ khu 1 ghi thời hạn sử dụng "lâu dài" là trái quy định luật Đất đai.
Hợp đồng vô hiệu do lỗi cả 2 bên
Việc này, năm 2012, 2018, Thanh tra Chính phủ và TP.Đà Nẵng cũng đã kết luận tương tự, năm 2020, Bộ TNMT đã hướng dẫn "thu hồi GCNQSDĐ đã cấp để cấp lại theo hướng điều chỉnh thời hạn sử dụng".
Hiện 27 GCNQSDĐ khu 1 vẫn chưa được điều chỉnh thời hạn sử dụng thành 50 năm. Việc điều chỉnh này do nhà nước quyết định, 2 công ty chỉ được thỏa thuận chuyển nhượng sau điều chỉnh.
Do đó TAND cấp cao tại Đà Nẵng kết luận về pháp lý khu 1 không được phép chuyển nhượng, vì "đối tượng của hợp đồng bán đất có thời hạn sử dụng 50 năm là chưa có, đối tượng đó lại đang do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định".
Cụ thể, 2 công ty thỏa thuận: "trong 15 ngày sau công chứng, Dana - Ý phải hoàn tất thủ tục, bàn giao GCNQSDĐ, chuyển đổi thời hạn sử dụng đất thành 50 năm" là trái quy định luật Đất đai, vì thỏa thuận này phụ thuộc cơ quan chức năng.
Đối với khu 2 (2 ha), Dana – Ý được cấp 3 GCNQSDĐ (2.502,1 m2), còn 17.661,9 m2 chưa được cấp GCNQSDĐ do địa phương chưa thu hồi được đất của người dân, Sở TN-MT TP.Đà Nẵng cũng xác nhận phần diện tích này chưa đủ điều kiện chuyển đổi, bán, cho thuê, nên Dana – Ý và Trung Nam thỏa thuận mua bán khu 2 khi chưa được cấp GCNQSDĐ là vi phạm điều cấm của pháp luật.
Theo Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng, Dana – Ý biết rõ tình trạng pháp lý trên nhưng vẫn ký hợp đồng nhận 93 tỉ đồng tiền cọc để bán và Trung Nam không tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý mà vẫn mua đều vi phạm pháp luật Đất đai.
Do đó, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đủ cơ sở kết luận tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa xem xét khách quan, toàn diện lỗi của cả 2 bên trong vi phạm điều cấm của pháp luật. Do lỗi của các bên gây ra nên hợp đồng đặt cọc giữa 2 công ty là vô hiệu.
TAND cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao vụ án cho TAND Q.Hải Châu xét xử sơ thẩm lại, trong đó, cần đưa cơ quan quản lý nhà nước vào tham gia tố tụng để giải quyết vụ án khách quan, toàn diện.