Thật ra, kịch bản cũng chỉ thể hiện được vài lát cắt trong cuộc đời bà Định, từ lúc bà mới sinh con, chồng tham gia cách mạng bị Pháp bắt, rồi bà cũng bị bắt, để con lại cho mẹ già nuôi dưỡng. Bà ở tù vài năm thì trở về quê hoạt động, trở thành bí thư tỉnh ủy Bến Tre, chỉ huy cuộc kháng chiến, lập nhiều chiến công hiển hách. Trong đó, có chiến công như huyền thoại là bà chỉ huy "con tàu không số" chở vũ khí từ miền Bắc về Nam đánh địch, vượt qua vô vàn hiểm nguy mà đời sau còn nể nang; và trận đánh cứ điểm Đình Rắn giải phóng Bến Tre. Chỉ vài lát cắt thôi cũng đủ thấy bà xứng đáng là "nữ tướng" của xứ dừa bạt ngàn, hiển hách, một địa phương nổi tiếng là nhà nhà làm cách mạng, người người làm cách mạng.
Võ Trang Nhã đã sử dụng ngôn ngữ dàn dựng gì cho một vở kịch truyền thống thường được xem là "kén khán giả"?
Cô đã chọn thủ pháp và quy mô hoành tráng, dựng những đại cảnh thể hiện con tàu không số vượt hải trình đầy sóng gió từ Bắc về Nam và thể hiện trận đánh cứ điểm Đình Rắn. Cho nên không lạ khi cô đã mời gần 50 diễn viên thủ vai chính lẫn vai quần chúng. Vũ đạo, thể hình, múa, võ thuật, là những thứ được vận dụng nhiều để diễn tả hành động, chi tiết. Nhờ vậy, tuy thiết kế sân khấu vẫn có phần tả thực với những gốc dừa, mái nhà tranh, mái đình, chiếc võng, tiếng vịt kêu… đều giống thật nhưng vở diễn vẫn mang chất hiện đại. Và, vở vẫn có những điểm nhấn ngọt ngào, mềm mại, ở lớp diễn bà Định ru con, nựng con, vợ chồng tương phùng; hoặc khi anh Đạt và cô Tâm tâm sự, hẹn hò trong vườn dừa... dễ thương vô cùng. Nhưng rồi những lớp diễn xé lòng lại kéo khán giả đi, khi vợ chồng bà Định ly tan, khi bà ẵm con lần cuối rồi bị tù đày, khi anh Đạt bị bắn chết, cô Tâm bị giặc làm mù mắt, những người chiến sĩ bị giết dã man…
Cuộc chiến tranh được bày ra khốc liệt, dù đã được tiết chế nhưng vẫn không thể nào bỏ hết những chi tiết đau thương để từ đó người xem hiểu thế nào là căm thù, tại sao những người dân lại đồng khởi đòi quyền sống. Dựng và diễn những lớp giết chóc thế này không dễ, rất có thể sa vào hình thức tàn bạo bởi cảm thụ trực quan, may sao, đạo diễn Trang Nhã đã giải quyết khá ổn. Với tuổi nghề còn quá mới như cô mà đã thử thách với kịch bản như vậy, không đơn giản chút nào.
Trong vở, chỉ vài người đóng vai phụ như nghệ sĩ Hữu Nghĩa, Tô Thiên Kiều, Kim Phượng là dân chuyên nghiệp, còn lại hầu như toàn bộ diễn viên đều là người trẻ mới ra trường, hoặc đang là sinh viên, cho nên còn nhiều nét chập chững. Nhưng các bạn lại rất thanh xuân, hừng hực lửa trên sân khấu. Riêng Trang Nhã kiêm luôn vai chính là bà Nguyễn Thị Định nên cô khá vất vả. Tuy nhiên, đây là diễn viên từng gây dấu ấn rất đậm với vai Dương Vân Nga trong vở tốt nghiệp khóa học tại sân khấu Hồng Vân, lần này vẫn với gương mặt và tính cách cương nghị, cô lại thử thách mình trong một vai nữ tướng. Trang Nhã đã trút hết tiền dành dụm (250 triệu đồng) ra làm vở này, chỉ với một niềm đam mê sân khấu khó tả. Lớp trẻ đang có những người máu lửa như vậy!