Theo UBND TP.HCM, việc sử dụng ngân sách để chi trả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hiện gặp một số vướng mắc do quy định chưa cụ thể, chưa thống nhất. Riêng đối với viên chức, kinh phí đào tạo lấy từ nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập nhưng vì nguồn thu còn hạn chế trong khi phải cân đối cho nhiều nội dung nên việc chi trả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Trong tờ trình, UBND TP.HCM đề xuất đối tượng áp dụng khá rộng, gồm cán bộ, công chức trong các cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội cấp TP.HCM và cấp huyện, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP.HCM.
Cụ thể, ngân sách sẽ hỗ trợ kinh phí cho cán bộ được cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ theo Đề án 01/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM; cán bộ được cử đi đào tạo trình độ đại học theo Đề án số 04/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và một số đề án khác. UBND TP.HCM đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù này kéo dài đến năm 2035.
Theo tính toán sơ bộ, trung bình mỗi năm ngân sách hỗ trợ hơn 40 tỉ đồng để thực hiện chính sách này.
- Đề án 01/2021 dự kiến cần 36 tỉ đồng cho giai đoạn 2022 – 2025, 9 tỉ đồng/năm.
- Đề án 04/2021 tổng kinh phí hơn 15,2 tỉ đồng, phân kỳ theo từng năm.
- Bồi dưỡng dành cho cán bộ các cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội cấp TP.HCM, cấp huyện và cán bộ cấp xã khoảng 6 tỉ đồng/năm.
- Bồi dưỡng cho viên chức khoảng 25 tỉ đồng/năm.
- Bồi dưỡng ở nước ngoài cho viên chức khoảng 7 tỉ đồng/năm.
Đối với các đề án, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng khác của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và UBND TP.HCM trong thời gian tới, kinh phí sẽ dự toán trong khả năng cân đối của ngân sách khi xây dựng và triển khai thực hiện.