Theo đó, Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long sẽ cho Công ty TNHH Castem Việt Nam thuê lại quyền sử dụng đất tại KCN Sông Khoai, tỉnh Quảng Ninh để triển khai dự án xây dựng nhà máy xây nhà máy sản xuất và kinh doanh các chi tiết cơ khí chính xác (đúc, cắt, các chi tiết cơ khí chính xác).

Quảng Ninh: Đón thêm dòng vốn đầu tư mới từ Nhật Bản

 

Castem Việt Nam là nhà đầu tư Nhật Bản đầu tiên đầu tư vào KCN Sông Khoai

 

Dự án có quy mô sử dụng đất khoảng 2ha, với tổng mức đầu tư gần 19 triệu USD, bao gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong tháng 12/2024. Giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2027. Tổng công suất 2 giai đoạn là 6.400.000 sản phẩm/năm. Đây cũng là dự án đầu tư đầu tiên của các doanh nghiệp Nhật Bản tại KCN Sông Khoai.

Theo ông Nguyễn Văn Nhân – Tổng giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long, sau dự án của Castem Việt Nam sẽ có thêm ít nhất 7 dự án khác cũng đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào KCN của Amata tại Quảng Ninh.

Còn theo đại diện công ty Castem, phía doanh nghiệp hiện có nhà máy tại Philippines, Thái Lan, Colombia và Mỹ. Qua tìm hiểu, phía doanh nghiệp biết được Amata Thái Lan đã đầu tư KCN tại Quảng Ninh. KCN này gần sân bay, bến cảng… thuận tiện cho hoạt động xuất khẩu nên doanh nghiệp; ngoài ra, doanh nghiệp cũng tìm hiểu được con người Việt Nam làm việc rất chăm chỉ, tập trung, chính vì thế, doanh nghiệp đã lựa chọn Quảng Ninh để đầu tư xây dựng nhà máy. Ngoài ra, môi trường đầu tư tại Quảng Ninh cũng là một trong yếu tố để doanh nghiệp lựa chọn đầu tư tại đây.

Quảng Ninh: Đón thêm dòng vốn đầu tư mới từ Nhật Bản

 

KCN Sông Khoai, tỉnh Quảng Ninh

 

Theo tìm hiểu của Diễn đàn Doanh nghiệp, Castem Việt Nam là doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất công nghiệp tại Nhật Bản. Cuối tháng 5/2023, Công ty Castem Việt Nam đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy tại Quảng Ninh. Việc Castem Việt Nam có mặt tại KCN Sông Khoai là tín hiệu tích cực để trong thời gian tới KCN tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

Được biết, liên quan đến thu hút đầu tư FDI, năm 2022, các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được 623,8 triệu USD vốn FDI. Năm 2023, tỉnh này phấn đấu nâng kết quả này lên hơn 1 tỷ USD… Để đạt được mục tiêu này, từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đã đón trên 20 nhà đầu tư đến nghiên cứu, trao đổi, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh, trong đó có nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

Quảng Ninh: Đón thêm dòng vốn đầu tư mới từ Nhật Bản

 

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kiểm tra tiến độ đầu tư, xây dựng KCN Sông Khoai (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

 

Theo ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ninh hiện có nhiều chính sách ưu tiên, cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Bên cạnh đó, Quảng Ninh là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn với nền hành chính hiện đại, quản trị địa phương theo hướng bền vững phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả. Trên tinh thần hợp tác toàn diện, Quảng Ninh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, GPMB, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho các nhà đầu tư.

“Quảng Ninh đang tiếp tục tăng cường mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nghiên cứu đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất linh kiện điện tử; công nghiệp phụ trợ ô tô; cảng biển; dịch vụ logistics; nông nghiệp xanh, sạch thân thiện môi trường… Hiện quỹ đất công nghiệp của Quảng Ninh còn rất lớn, đủ đáp ứng cho các nhà đầu tư”, ông Huy cho biết thêm

Còn về phía KCN Sông Khoai, đại diện KCN này cho biết, bên cạnh việc đàm phán thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng hiện tại, phía chủ đầu tư đang tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư về KCN tại Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan…; tiếp cận tham gia chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh Quảng Ninh và các hiệp hội kinh tế thương mại của các quốc gia với mục tiêu sớm lấp đầy KCN, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất của KKT ven biển Quảng Yên và của tỉnh.

Theo kế hoạch, hết năm 2023, KCN Sông Khoai sẽ có tổng số khoảng 15 dự án của nhà đầu tư thứ cấp được triển khai với tổng vốn đạt khoảng 2,6 tỷ USD. Trong đó, riêng năm 2023 sẽ có 12 dự án được triển khai đầu tư với tổng vốn đạt khoảng 1 tỷ USD. Điều này sẽ đóng góp quan trọng vào mục tiêu thu hút 1,2 tỷ USD, phù hợp với mục tiêu đẩy mạnh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mà tỉnh đang tập trung thực hiện.