Theo cơ quan xếp hạng tín dụng châu Âu Scope Ratings, Italy sẽ trở thành quốc gia nợ nhiều nhất châu Âu sau 3 năm nữa và kêu gọi Rome lập kế hoạch ổn định tài chính công.
Trong một báo cáo mới được công bố, Scope Ratings cho biết các khoản vay của Italy tính theo tỷ lệ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ vượt các khoản vay của Hy Lạp, nhanh hơn dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng Italy sẽ có nợ công cao nhất châu Âu vào năm 2028.
Viễn cảnh về tình hình tài chính công xấu đi của Italy sẽ tạo thêm áp lực cho liên minh cánh hữu cầm quyền của Thủ tướng Giorgia Meloni trong việc thực hiện hành động khắc phục.
Tỷ lệ nợ công/GDP năm 2023 đã giảm nhiều hơn đáng kể so với dự đoán, xuống còn 137,3%, nhưng xu hướng đó hiện đang đảo ngược - một quỹ đạo đã được thừa nhận trong các dự báo chính thức.
Ông Eiko Sievert, chuyên gia kinh tế và là nhà phân tích của Scope, nói: "Chính phủ Italy cần xây dựng và thực hiện một kế hoạch củng cố tài chính trung hạn, đáng tin cậy để ổn định nợ công trước những thách thức về chi phí lãi suất cao, các ưu đãi thuế quá mức trước đây và sự chậm trễ trong chi tiêu của kế hoạch phục hồi thúc đẩy tăng trưởng".
Ông Sievert cho rằng Rome cần tiết kiệm tích lũy 135 tỷ euro (146 tỷ USD) trong 5 năm tới để có số dư cơ bản - thước đo so sánh doanh thu với chi tiêu, trước chi phí lãi vay. Tính toán đó giả định mức tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của Italy là 1% và lạm phát ở mức 2%.
Ông Sievert nói: "Việc nâng cao hiệu quả và chất lượng chi tiêu công, củng cố tính bền vững của hệ thống lương hưu và cải thiện việc tuân thủ thuế sẽ rất quan trọng".
Các nhà đầu tư đã vô tình "giúp" chính phủ của bà Meloni, với mức chênh lệch lợi tức giữa trái phiếu Italy so với các trái phiếu tương đương của Đức – một thước đo rủi ro chính trong khu vực – đã giảm vào đầu năm 2024 xuống mức thấp nhất trong 2 năm.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...