Với dân số khoảng 100 triệu người, quy mô thị trường nội địa là rất lớn và còn nhiều dư địa để khai thác. Đặc biệt hiện nay xu hướng người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ngày càng tăng. Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây luôn đạt mức khả quan so với mặt bằng chung của thế giới, vì vậy sức mua tiêu dùng cũng duy trì đà tăng khá. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hoá khai thác và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa. 

Doanh nghiệp khai thác thị trường nội địa để ổn định sản xuất

Công ty TNHH dịch vụ thương mại Sơn Lâm tại Thanh Hóa chuyên sản xuất giấy xuất khẩu

Tại Công ty TNHH dịch vụ thương mại Sơn Lâm, tỉnh Thanh Hoá, trước đây 100% sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Đài Loan, thì từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã chuyển hướng khai thác thêm thị trường trong nước.

Ông Cao Văn Sơn, Giám đốc công ty TNHH dịch vụ thương mại Sơn Lâm, tỉnh Thanh Hoá cho biết, việc chuyển hướng về thị trường nội địa đã giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong khâu sản xuất, vận chuyển hàng hoá. Bên cạnh đó, việc thanh toán cũng nhanh chóng hơn. Hiện đơn vị đã có đơn đặt hàng nội địa đến hết quý 2/2024, tập trung ở một số thị trường chính như Bắc Ninh, Thái Bình, Thanh Hoá.

"Hiện nay chuyển hướng đơn hàng nội địa thị phần khoảng 40%, định hướng tới đây chúng tôi tăng cường quảng cáo đến khách hàng nội địa, dự tính năm nay tăng trưởng 10 – 12%", ông Lâm chia sẻ thêm.

Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các giải pháp cơ cấu lại sản xuất, đầu tư nâng cấp thiết bị máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đưa ra các dòng sản phẩm phù hợp với xu thế của người tiêu dùng trong nước. Đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và linh hoạt các phương thức bán hàng nhằm nâng cao doanh số, nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Doanh nghiệp khai thác thị trường nội địa để ổn định sản xuất

Công nhân đang sản xuất tại công ty TNHH Sản Xuất Và Thương Mại Yến Sào Xứ Thanh

Ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại yến sào Xứ Thanh cho biết, từ khi COVID-19 cho đến nay đã ảnh hưởng đến biến động xuất khẩu thị trường quốc tế. Nhiều đơn vị sản xuất như chúng tôi đã ngắm ngay đến thị trường nội địa. Ngoài quan tâm đến chất lượng sản phẩm thì việc quảng bá xúc tiến thương mại trao đổi giữa các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh cũng vô cùng quan trọng. Việc tuyên truyền người Việt Nam dùng hàng Việt Nam là chính sách vô cùng tích cực cho doanh nghiệp trong nước ở giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, thị trường nội địa nếu được "chăm sóc" tốt thì vẫn giúp được doanh nghiệp ổn định sản xuất và có doanh thu tốt.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, khi tình hình xuất khẩu còn phục hồi chậm, thị trường trong nước được đánh giá có độ ổn định và đặc biệt có sức chống chịu tốt hơn so với thị trường xuất khẩu. Vì thế, về lâu dài, doanh nghiệp nào biết tận dụng và khai thác tốt được thị trường nội địa sẽ tạo ra điểm tựa vững chắc, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, đứng trước tình hình xuất khẩu quá khó khăn như trên, Việt Nam không có cách nào khác phải tăng đầu tư công và quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa. Chủ trương quay về thị trường nội địa là đúng bởi Việt Nam là một thị trường có đầy tiềm năng để phát triển, với dân số gần 100 triệu người, trong đó 50% là dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng đa dạng và luôn hay đổi. Hệ thống phân phối hiện đại, thương mại online mới ở giai đoạn phát triển ban đầu, tỷ trọng chiếm lĩnh chỉ từ 10 - 20%. Mặt khác, đầu vào của thị trường bán lẻ để phục vụ tiêu dùng trong nước ngày nay rất dồi dào phong phú và có chất lượng đảm bảo, lại cộng thêm với điều kiện thu mua với cự ly gần, giảm được chi phí vận chuyển, rất phù hợp với điều kiện khai thác để tiêu thụ...