Báo cáo công tác tổ chức lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn năm 2024 (diễn ra ngày 19.2 âm lịch), ông Nguyễn Hòa (Chủ tịch UBND Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) cho biết lễ hội đã thành công tốt đẹp, được dư luận xã hội đánh giá là một lễ hội văn minh, đúng với phương châm đề ra đó là Trang trọng - an toàn - tiết kiệm - hiệu quả. Theo đánh giá, hoạt động nổi bật của lễ hội thu hút hàng vạn người tham gia, diễn ra trang nghiêm theo đúng nghi thức Phật giáo. Lễ khai mạc và bế mạc với chương trình nghệ thuật đặc sắc có sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật Nhật Bản, Thái Lan… Về phần hội, có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức, như: hô hát bài chòi; biểu diễn múa rối nước, cạn; hội đua thuyền truyền thống trên sông Cổ Cò… đã tạo không khí vui tươi, sôi nổi.
Để lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức tốt hơn trong những năm tiếp theo, ông Nguyễn Hòa kiến nghị UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục công trình mở rộng không gian, tạo điều kiện để phát triển lễ hội tương xứng với tầm vóc của lễ hội tôn giáo lớn của quốc gia nằm trong không gian công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn đã được phê duyệt. Việc mở rộng không gian, nhất là các điểm tổ chức những hoạt động văn hóa, thể thao, tâm linh tín ngưỡng không chỉ phục vụ lễ hội Quán Thế Âm hằng năm mà còn phục vụ cho người dân, du khách tham quan tại lễ hội và danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo nâng tầm lễ hội vừa diễn ra, PGS-TS Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường vụ Hội Di sản văn hóa TP.Đà Nẵng, cũng cho rằng khi lễ hội được nâng lên tầm quốc gia, ngoài đầu tư nội dung nghi lễ và các hoạt động giải trí khác, đòi hỏi phải quy hoạch cho không gian lễ hội rộng thoáng, đáp ứng được nhiều nghi lễ trang nghiêm, nhiều hoạt động trình diễn hoành tráng, đảm bảo đón được lượng khách tăng lên gấp nhiều lần.
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Hồ Xuân Tịnh, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.Đà Nẵng, cũng cho rằng không gian lễ hội hiện nay đang bị quá tải. Theo ông Tịnh, riêng phần nghi lễ Phật giáo cần tổ chức trong không gian chùa, còn lại các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian… nên mở rộng không gian cả vùng Ngũ Hành Sơn. Quan Âm Phật đài ở chùa Linh Ứng Sơn Trà là một địa điểm cần được kết nối với không gian lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn.
ĐỀ XUẤT LẬP BẢO TÀNG SINH THÁI VĂN HÓA
Theo PGS-TS Ngô Văn Minh, cần phát huy giá trị lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn đặt trong phát huy tổng thể các giá trị văn hóa, lịch sử của cả quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn. Bởi, lễ hội diễn ra tại một quần thể danh lam cùng với nét đẹp vượt trội của cảnh quan thiên nhiên sơn kỳ thủy tú. Cả khu danh lam thắng cảnh này là một tổng thể của văn hóa kiến trúc: chùa - đình - nhà thờ tộc - lăng - miếu; các công trình tín ngưỡng thời các chúa, vua Nguyễn; có di tích, có bảo tàng văn hóa… lại có hệ thống ma nhai trong các hang động (Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Vì vậy, cần phải phát huy tốt hơn nữa các giá trị này trong thời gian lễ hội để thu hút được các loại hình du lịch.
Đáng chú ý, TS Huỳnh Vĩnh Phúc, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, kiến nghị về việc nên xây dựng và bảo vệ hệ sinh thái văn hóa để nâng tầm lễ hội. Theo TS Phúc, quan điểm và tầm nhìn của một lễ hội phải quán xuyến cả không gian, thời gian và lịch sử của cộng đồng nơi diễn ra lễ hội. TS Phúc đề xuất xây dựng Bảo tàng Sinh thái văn hóa Ngũ Hành Sơn để thể hiện những tư duy mới về giá trị, cập nhật quan điểm và tinh thần tổ chức lễ hội tiếp cận với giá trị văn hóa sinh thái đang được đề cao trên thế giới, từ đó đưa tầm vóc của lễ hội vươn tới giá trị toàn cầu. Theo đó, Bảo tàng Sinh thái văn hóa Ngũ Hành Sơn bao gồm toàn bộ khu vực địa lý Ngũ Hành Sơn, gồm có: các hệ sinh thái núi, sông, hồ, đồng ruộng; đường sá, làng mạc, đình chùa, nghĩa trang, chợ; các làng nghề, các bảo tàng; các phong tục, tập quán, lễ nghi, lễ hội; các di sản văn bản, truyền miệng…
Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng đề nghị tổ chức một hội thảo quốc tế về Bồ tát Quán Thế Âm, mời học giả ở các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc… tham gia báo cáo. Hội thảo sẽ tạo ra nhận thức đa dạng về tín ngưỡng thờ Quán Thế Âm, đồng thời xác định được vị trí, đóng góp của lễ hội Quán Thế Âm tại Phổ Đà sơn trong mạng lưới chung của khu vực và thế giới trong lĩnh vực văn hóa, tín ngưỡng…
Cần thiết xây dựng lễ đài mới
Hòa thượng Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm, kiến nghị cần có một công viên lễ đài, trong đó xây dựng trung tâm lễ đài là đại tượng Quan Âm có chất liệu đặc biệt, chiều cao khoảng 25 - 32 m đáp ứng nhu cầu chiêm bái và hành lễ của người dân, du khách. Theo hòa thượng, đây là xu hướng văn hóa tâm linh trong thế kỷ 21 và là một phương thức góp phần quan trọng vào sự phát triển du lịch của Đà Nẵng. Ngoài ra, nên kiến tạo một tôn tượng, nặng từ 25 - 32 kg bằng chất liệu quý để rước kiệu tại lễ chính thức của lễ hội Quán Thế Âm đến lễ đài.