Màn trình diễn ánh sáng của drone tại Hồ Tây, Hà Nội đã để lại ấn tượng không nhỏ cho người xem trong đêm giao thừa vừa qua. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, AI đang làm thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực drone.

Drone AI thay đổi “cuộc chơi”

Bộ não AI

Drone AI là những thiết bị bay không người lái được trang bị AI, có thể ví nó như một con robot có “trí tuệ”, được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ một cách độc lập, có khả năng học hỏi và thích ứng với các điều kiện thay đổi bất ngờ từ môi trường và bối cảnh xung quanh.

Công nghệ Drone AI chủ yếu dựa vào thị giác máy tính. Công nghệ này cho phép máy bay không người lái phát hiện vật thể khi đang bay, phân tích và ghi lại thông tin. Các chương trình phần mềm AI đặt trên drone sẽ dùng các thông tin này để “học hỏi” và ra quyết định ngay lập tức.

Ví dụ, một drone được trang bị AI có thể phân tích dữ liệu từ các cảm biến của nó (cảm biến nhiệt, lidar,…), bao gồm cả camera, để xác định các vật thể và đặc điểm trên mặt đất hoặc môi trường xung quanh, sau đó nó có thể sử dụng thông tin này để đưa ra quyết định về nơi bay, cách tránh chướng ngại vật và cách di chuyển để hoàn thành nhiệm vụ.

Drone AI thay đổi “cuộc chơi”

Màn trình diễn ánh sáng với 300 máy bay không người lái (drone) thuộc Chương trình "Du lịch Hà Nội chào 2024 - Get on Hanoi 2024" tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Thế Bằng

Ứng dụng thực tế

Chính nhờ sự phát triển mạnh mẽ của AI thời gian vừa qua đã khiến cho lĩnh vực drone “tiến hóa” thêm một bước dài, trong đó phải kể đến khả năng xác định các chướng ngại vật một cách tức thời và bay tránh, cũng như bay trong thời gian dài hơn và thực hiện nhiệm vụ chính xác hơn.

Sự thực đó đã được chứng minh trong một cuộc đua drone giữa những tay đua đứng đầu thế giới và drone AI cuối năm ngoái. Kết quả là drone AI đã đánh bại 3 nhà vô địch lão luyện, giống như cách mà AI từng đánh bại con người trong cờ vây, cờ vua, Starcraft hay Gran Turismo.

Một nhà vô địch thế giới, giờ là bại tướng dưới tay AI, đã phải thốt lên: “Đây là sự khởi đầu của điều gì đó sẽ thay đổi cả thế giới”.
Tuy nhiên, Drone AI vẫn đang ở trong giai đoạn đầu phát triển với các ứng dụng chính trong các lĩnh vực: giám sát, dự báo thời tiết và vận chuyển. Chẳng hạn Amazon (Mỹ) đã sử dụng drone để giao hàng trong một số khu vực nhất định. AI trong các drone của Amazon được sử dụng thuật toán học máy để phân tích dữ liệu giao hàng trong quá khứ, từ đó thu được thông tin sâu hơn về mô hình giao thông và vị trí hạ cánh tối ưu. Những “hiểu biết” này để drone quyết định tuyến giao hàng tốt nhất.
Hay như công ty xây dựng khổng lồ Nhật Bản Komatsu sử dụng drone tích hợp có tên Skycatch trên hơn 5.500 công trường. Theo công ty này, họ có thể tạo ra hình ảnh 3D có độ chính xác lên tới 5 cm. Sau đó, phần mềm tích hợp chỉ mất khoảng 30 phút để xử lý các hình ảnh chụp từ trên không, thay vì mất nhiều ngày để con người hoàn thành nhiệm vụ tương tự.

Tương lai của drone AI

Theo Pragma market research, thị trường drone AI được định giá 19,89 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 57,16 tỷ USD vào năm 2030, tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 13%. Còn theo Rationalstat, số liệu dự báo thậm chí còn khả quan hơn, 80 tỷ USD vào 2030 và CAGR là 28,5%.

Các công ty khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này cũng ngày càng nhiều. Như Shield AI, trụ sở tại San Diego, một công ty khởi nghiệp sản xuất drone AI cho các ứng dụng quân sự, đã huy động được 150 triệu USD từ các nhà đầu tư cuối năm ngoái. Công ty này hiện được định giá 2,5 tỷ USD. Ngoài ra, còn phải kể tới Anduril, Epirus, AirSmat, Ware, Skydweller Aero, Marut Drones, Voliro Airnorne Robotics, Deuce Drone, Skyqraft,…

Ở Việt Nam, cũng có nhiều doanh nghiệp drone AI mới xuất hiện. Như Mismart là một doanh nghiệp drone AI trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng công trình giao thông, tài nguyên môi trường, điện lực, viễn thông. Hay như VTI Solutions cũng là một công ty drone AI trong lĩnh vực nông nghiệp.
Khi AI và máy học (ML) tiếp tục phát triển, khả năng của drone sẽ tiếp tục mở rộng. Trong tương lai, drone AI có thể thực hiện các nhiệm vụ phức tạp, từ giám sát môi trường và kiểm tra cơ sở hạ tầng đến ứng phó thảm họa, và nhiều việc khác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp… hoàn toàn có khả năng xảy ra.