Dân hiến đất làm đường, xã nghèo khởi sắc

15:00 - 11/11/2024

Không còn gập ghềnh, lầy lội như trước đây, đường về xã Hợp Hòa (H. Sơn Dương, Tuyên Quang) giờthẳng tắp, mịn màng, được tô điểm thêm bởi màu xanh bất tận của rừng keo, bạch đàn dọc hai bên đường.

Con đường khốn khổ...

Chở tôi đi trên đoạn đường ĐT.185 qua thôn Núi Độc, ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa, cho biết: "Trước đây, chúng tôi vẫn thường nói vui, về xã Hợp Hòa có đặc sản là "đường lầy". Nhắc đến đặc sản nổi tiếng chắc hẳn ai cũng nghĩ đến những sản phẩm nức tiếng của vùng. Thế nhưng, với Hợp Hòa, món "đặc sản" mà bà con vẫn thường hay nhắc đến lại là những con đường nắng thì "ăn" bão bụi, mưa lại phải đánh vật với "ma trận" ổ trâu, ổ gà, bùn lầy…".

Dân hiến đất làm đường, xã nghèo khởi sắc

Tuyến đường ĐT185 được hoàn thiện sẽ giúp việc đi lại của người dân thuận tiện hơn

ẢNH: THANH TÙNG

Theo ông Lợi, những năm trước người, dân ở xã Hợp Hòa cứ hễ có việc ra ngoài xã đều phải chờ ngày nắng ráo mới đi, bởi khi đó chưa có con đường đổ bê tông như bây giờ, nếu gặp trời mưa thì chỉ có thể đi ủng cuốc bộ chứ xe đạp, xe máy không lăn nổi bánh. Cần kíp lắm thì phải đi vòng qua các xã Thiện Kế, Phúc Ứng, xa hơn tầm 5 km...

Là hộ chăn nuôi gà có tiếng ở xã Hợp Hòa, ông Lê Đại Dương nói: "Mỗi lần gà đến lứa bán là phải chờ ngày nắng, thương lái mới vào mua được. Còn nếu mang ra chợ bán thì đi xe máy cần một người đẩy phía sau mới đến được chợ. Giá gà luôn thấp hơn giá thị trường 2 - 3 giá cũng bởi tuyến đường đi quá khó khăn".

Rất khó hình dung sự vất vả của người dân nơi đây khi tham gia giao thông trên những con đường như thế. Vào mùa vụ, từ việc thu hoạch đến tiêu thụ sản phẩm đều khó trăm bề. Ông Ma Văn Huấn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Núi Độc, nhớ lại mấy năm về trước, xã cách trung tâm huyện hơn 30 km nhưng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ di chuyển mới tới nơi. Ấy là còn chưa kể đến việc hàng hóa của người dân bán ra thì rẻ gấp 2 - 3 lần so với thị trường, còn hàng hóa mua vào thì đắt hơn cũng tầm đó.

"Có những năm lợn, gà được giá nhưng khi thương lái vào xã mua thì giá giảm 2 lần so với giá thị trường, bởi chi phí đi lại cao", ông Huấn lý giải. Vì thế, người dân nơi đây luôn chung một khát khao, mong ước có con đường trải nhựa, trải bê tông như bao nơi khác.

Khởi sắc nhờ hạ tầng giao thông

Thế rồi mong ước của người dân cuối cùng cũng thành hiện thực khi tuyến đường ĐT.185 đi qua 9/11 thôn của xã Hợp Hòa đã được Nhà nước đầu tư mở rộng, thảm nhựa phẳng lì, có hệ thống thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng khang trang, sạch sẽ. Đây cũng là con đường huyết mạch nối các xã Thiện Kế, Hợp Hòa với Kỳ Lâm, TT.Sơn Dương.

Dân hiến đất làm đường, xã nghèo khởi sắc

Khu đất nhà anh Nguyễn Văn Hải hiến để làm đường

ẢNH: THANH TÙNG

Để có con đường đẹp đó là nhờ sự đồng lòng hiến đất của 100% hộ dân nơi tuyến đường đi qua. Ông Nguyễn Văn Lợi chia sẻ, nếu như ở các xã khác, việc hiến đất làm đường gặp rất nhiều khó khăn, phải xuống từng hộ dân để vận động tuyên truyền mới giải tỏa được mặt bằng thì ở xã Hợp Hòa, việc này lại rất dễ dàng.

Chỉ thông qua 2 - 3 buổi họp thôn, toàn bộ bà con đã tự nguyện hiến đất làm đường, giúp cho việc giải phóng mặt bằng trở nên vô cùng dễ dàng. Trong số này, có những hộ gia đình đã hiến hàng trăm m2 đất, điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Hải ở thôn Núi Độc hiến hơn 700 m2, ông Trần Văn Thành ở thôn Ninh Hòa, hiến hơn 560 m2, bà Đặng Thị Dung ở thôn Thanh Bình, hiến hơn 680 m2...

Có câu "tấc đất, tấc vàng", nhưng với người dân ở xã Hợp Hòa, để có hạ tầng giao thông tốt, "tấc vàng" họ cũng sẵn sàng hiến tặng. Là một trong những hộ dân hiến tặng đất nhiều nhất xã, anh Nguyễn Văn Hải bộc bạch: "Nhìn người dân trong thôn cứ mãi đi lại trên con đường đất, nông sản làm ra bị thương lái ép giá, tôi thực sự không đành lòng. Làm đường giao thông chính là để phục vụ gia đình mình và người dân trong thôn, xã được thuận tiện hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, nếu ai cũng vì lợi ích riêng thì tuyến đường khó được hoàn thành. Để có con đường mới, mỗi người hãy cùng sẻ chia, chung sức, đồng lòng với Nhà nước".

Cách nhà anh Hải không xa là nhà chị Ma Thị Chắc (thôn Ninh Hòa). Dù là hộ nghèo của thôn nhưng chị Chắc đã hiến hơn 100 m2 đất ở để mở đường. Vì lợi ích chung của cộng đồng, chị Chắc khẳng định "dù có phải hiến nhiều hơn nữa gia đình tôi cũng sẵn sàng".

Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa Nguyễn Văn Lợi vui mừng bảo, bây giờ có đường mới rồi, đi lại cũng như giao thương hàng hóa thuận lợi hơn rất nhiều. Mỗi ngày có hơn chục chuyến xe chở khách, chở hàng từ các xã, các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ vào xã Hợp Hòa và ngược lại. Các mặt hàng không còn đắt như trước, cơ bản đều có giá ngang với mặt bằng chung so với miền xuôi. Các sản phẩm nông sản, chăn nuôi của bà con cũng bán dễ hơn, nhiều khi không đủ nguồn cung cấp cho lái buôn, nhất là thịt lợn bán giá cao lại không có để bán...

Cũng nhờ đi lại thuận lợi, người dân trong xã có điều kiện phát triển sản xuất hơn. Xã đã hình thành và phát triển mô hình chăn nuôi gà thảo dược, trồng cà gai leo…, mở thêm cơ hội làm giàu và giúp nhiều hộ gia đình có kinh tế ổn định.

Con đường mới ở Hợp Hòa không chỉ nối dài niềm vui mà còn góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông của xã. Từ đó, tạo điều kiện cho việc đầu tư các dự án cũng như các ngành nghề phát triển, tăng thu nhập cho người dân, là tiền đề để xã Hợp Hòa hoàn thành về đích nông thôn mới.

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Hắc sắc nguyệt quang - SCTV9

 

Ông chủ trường đua - SCTV9

 

Xứng danh tài nữ 4 - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Hình Cảnh - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...