Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, trong năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3, trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thuộc cây công nghiệp lâu năm (cà phê, điều, cao su) chỉ đạt 2,89 tỷ USD, giảm 12,7% so với năm trước do phải đối mặt với khó khăn trên thị trường xuất khẩu với giá bán trung bình giảm còn 1,350 USD/tấn, giảm 12,7% so với cùng kỳ, trong khi sản lượng xuất khẩu duy trì ở mức 2,14 triệu tấn, giảm 0,04% so với cùng kỳ.
Tuy bị chững lại trong năm 2023, nhưng cao su vẫn là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong nhóm ngành cây công nghiệp lâu năm trong giai đoạn 2016A – 2023A, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) đạt 8,2%. Trong khi, cà phê và điều lần lượt đạt 3,5% và 3,6%.
“Một điểm sáng cho mặt hàng cao su là giá trị xuất khẩu từ các doanh nghiệp nội địa, hiện tại cao su đã chiếm vị trí thứ 2, chỉ đứng sau hạt điều trong năm 2023. Chúng tôi tin rằng, với sự phục hồi giá và triển vọng tích cực, cao su hoàn toàn có thể cạnh tranh vị trí dẫn đầu cùng với hạt điều trong giai đoạn 2024F-2025F”, PHS đánh giá.
Theo PHS, Trung Quốc hiện đang là thị trường chủ lực xuất khẩu mặt hàng cao su của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 2,27 tỷ USD, chỉ giảm 4,6% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhờ vào lợi thế về địa lý, sản lượng ổn định và chất lượng sản phẩm, Việt Nam đang dần giành được thị phần tại Trung Quốc, với tỷ lệ đóng góp trong giá trị nhập khẩu cao su tại Trung Quốc tăng từ 8,0% năm 2017 lên 14,1% năm 2023.
Giá xuất khẩu cao su Việt Nam hiện đang biến động theo giá trung bình thế giới. Với xu hướng tăng giá của các loại cao su được dự phóng trong giai đoạn 2024F/2025F do tình trạng thiếu hụt nguồn cung, ngành cao su Việt Nam sẽ được hưởng lợi và tiếp tục duy trì tăng trưởng giá trị xuất khẩu trong thời gian tới.
PHS cho rằng, xuất khẩu cao su Việt Nam có thể bắt đầu tăng trưởng trở lại với giá trị xuất khẩu đạt 3,3 – 3,6 tỷ USD trong giai đoạn 2024F-2025F. Hưởng lợi từ việc giá xuất khẩu có thể phục hồi từ 10%-15% so với cùng kỳ trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị thiếu hụt. Đồng thời, Việt Nam có thể tăng sản lượng xuất khẩu với kỳ vọng tăng mức tiêu thụ tại Trung Quốc khi thị trường này đang đẩy mạnh sản xuất ô tô, lốp xe, và tăng sản lượng xuất khẩu nhờ vào sản lượng xuất khẩu của Thái Lan giảm đi đáng kể.
Cũng theo Công ty Chứng khoán này, trong tháng 01/2024, xuất khẩu cao su Việt Nam đã có sự tăng trưởng trở lại với giá trị đạt 296 triệu USD, tăng 62,3% so với cùng kỳ, đây là giá trị xuất khẩu tốt nhất trong 7 năm vừa qua, báo hiệu một thời kỳ phục hồi trở lại dành cho sản phẩm “vàng trắng” trong giai đoạn 2024F-2025F. Trong đó, sản lượng xuất khẩu tháng 01/2024 đạt 210 nghìn tấn, tăng 55,8% so với cùng kỳ và giá xuất khẩu trung bình tiếp tục tăng từ tháng 08/2023, với mức tăng 4,1% so với cùng kỳ, khi đạt 1.410 USD/kg.
Định hướng phát triển theo hướng đại điền
Về thực trạng vườn cây cao su tại Việt Nam, PHS cho biết, từ tháng 06/2009, Chính phủ đã ban hành Quyết định 750/QĐ-Ttg về “Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”, với mục tiêu diện tích rừng cao su sẽ lần lượt đạt 650 nghìn ha và 800 nghìn ha vào năm 2010 và 2015, sau đó giữ ổn định ở mức 800 nghìn ha cho đến năm 2020.
Tuy nhiên, quy hoạch đã bị phá vỡ nhanh chóng giai đoạn 2011-2015 với trào lưu trồng cao su từ 02 nguyên nhân chính: Tiểu điền kỳ vọng cải thiện thu nhập khi giá cao su đang ở đỉnh trong giai đoạn 2010-2011; Và lạm dụng chuyển đổi đất nông lâm nghiệp sang trồng cao su tại một số địa phương.
“Với diện tích trồng vượt ngưỡng quy hoạch quá mức và giá cao su liên tục sụt giảm mạnh trong những năm sau đó đã khiến cho trào lưu trồng cây cao su chấm dứt khi các cơ quan quản lý thực hiện công tác chặt chẽ hơn và các tiểu điền phải chặt bỏ hoặc thanh lý để chuyển đổi canh tác, từ đó tổng diện tích cây cao su đã giảm từ đỉnh 985,6 nghìn ha vào năm 2015 với tốc độ bình quân 1%/năm và còn 910,2 nghìn ha vào năm 2023”, PHS đánh giá.
Ngày 26/01/2024 vừa qua, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT về việc phê duyệt “Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030”. Đề án này đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ duy trì khoảng 800-850 nghìn ha diện tích cao su, trong đó: 250-300 nghìn ha cao su sẽ được cấp chứng chỉ rừng bền vững. 100% lượng mủ và gỗ cao su Việt Nam có mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đối với chỉ tiêu cấp chứng chỉ rừng bền vững, theo dữ liệu được công bố bởi Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCO), diện tích rừng trồng cao su hiện nay đã được cấp chứng chỉ đã đạt 123,66 nghìn ha. Điều này đã thể hiện sự chủ động của các doanh nghiệp Việt Nam trong công tác thích ứng với các quy định, tiêu chuẩn phát triển bền vững toàn cầu, đặc biệt là sắp tới khi Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu – EU (EUDR – EU Deforestation-free Regulation) có hiệu lực.
Cũng theo đề án phát triển này, đến năm 2030, 100% diện tích cao su trồng mới được sử dụng các giống đúng tiêu chuẩn, tổ chức trồng cao su theo hướng đại điền và trên 70% diện tích cao su được thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm.
“Định hướng phát triển này sẽ giúp ngành cao su đảm bảo đầu ra, duy trì và nâng cao được chất lượng mủ khai thác và tăng năng suất mủ của Việt Nam. Mặc dù, tổng diện tích rừng cao su có thể giảm bình quân 1%-2% mỗi năm đến năm 2030, diện tích khai thác cao su Việt Nam hiện đang bước vào giai đoạn chín muồi với tốc độ tăng trưởng CAGR là 2,7%, từ đó, có thể đạt năng suất và sản lượng tốt trong giai đoạn 2024F-2030F”, PHS nhận định.
Từ đó, đơn vị này dự phóng sản lượng năm 2024F-2025F sẽ lần lượt đạt 1,36 triệu tấn, tăng 5% và 1,40 triệu tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Với phần diện tích được trồng vào thời gian trước năm 2010, hiện đang bước vào chu kỳ trưởng thành mang lại năng suất bình quân cao nhất là 2-2,2 tấn/ha, và vườn cây được trồng từ sau năm 2010 sẽ bước vào giai đoạn cho mủ cao từ 3-5 năm tới. Từ đó, sản lượng mủ cao su thô khai thác của Việt Nam có thể đạt và duy trì mức 1,3 – 1,5 triệu tấn mỗi năm từ năm 2024F đến năm 2030F.