Chị Huỳnh Thanh Thảo cùng với anh Lê Anh Tuấn - chàng trai đã thực hiện hơn 1.000 chuyến xe cứu thương miễn phí ở TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương trong hơn 5 năm qua trong bài viết “Hiệp sĩ bóng đêm” ở Thủ Dầu Một của tác giả Nguyễn Duy Khánh (đoạt giải nhì hạng mục Phóng sự, ký sự, ghi chép), là 2 trong số những nhân vật chia sẻ trong phần này.
Chị Huỳnh Thanh Thảo là gương mặt không xa lạ với Báo Thanh Niên. Chị từng đoạt giải ba trong cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên tổ chức, và hôm nay tiếp tục là nhân vật được vinh danh của cuộc thi Sống đẹp mùa 4.
Trong bài viết Cánh Én chở mùa xuân, tác giả Hoàng Ngọc Thanh thuật lại khi chị Thảo đã tổ chức thành công "Chuyến tham quan Đà Lạt cho những người cùng cảnh ngộ nhân ngày Người Khuyết tật Việt Nam 18.4", một kỷ niệm thót tim xảy ra khi tình nguyện viên bế chị trong lúc trở về từ chuyến tham quan Đà Lạt bị vấp ngã. Chị té xuống, cú té tưởng chết.
Chị nói về tai nạn thập tử nhất sinh của mình với thái độ rất lạc quan: "Tôi nhiều lần đối diện cửa tử, trước đây mấy ngày, xương của tôi bị rạn nhưng cuối cùng tôi vẫn ở đây. Lần tai nạn đó tôi tưởng chết. 99% là chết. Máu ộc lên từ mũi, từ miệng tôi. Xương sống gãy. Nhưng bằng phép màu, tôi lại sống. Nhiều người nói tôi can đảm và may mắn vì tôi đã sống sót qua những lần đó, nhưng hai từ can đảm tôi xin dành cho ba mẹ tôi, những người đã luôn bên tôi trong những giờ phút đen tối nhất của cuộc đời".
Én Nhỏ nhưng mạng sống không nhỏ. Khi chia sẻ về những lần thập tử nhất sinh của mình, chị Thảo rất lạc quan, thi thoảng mỉm cười. Chị Thảo từ khi sinh ra đã có sức khỏe không may mắn như bao người: bị nhiễm chất độc da cam, bị bệnh xương thủy tinh phải ngồi xe lăn. Mẹ chị, cô Nguyễn Thị Xuân, rất sợ con bị va chạm vì sợ ảnh hưởng đến xương nên không cho con đi học. Nhưng chị Thảo vẫn xông xáo tìm đến con chữ, tự mày mò học, và cũng từ đó, mầm thiện trong chị dần lớn.
Từ năm 2009 đến nay, thư viện mini Cô Ba do chị sáng lập tại nhà nhằm "xóa mù chữ" cho những ai cũng muốn tìm đến con chữ, có hoàn cảnh khó khăn như chị. Cũng từ mốc lập thư viện mini Cô Ba thời gian đó, chị Thảo tham gia hàng loạt hoạt động xã hội, thiện nguyện dù ông trời không cho chị một cơ thể thật khỏe mạnh như bao người.
Tôi biết ơn khi mỗi ngày mình vẫn sống
Trong cuộc thi viết Hào khí miền Đông, chị Thảo đoạt giải ba với tác phẩm Con kênh tự tình. Chị viết về kênh Đông ở Củ Chi, quê hương chị. Hôm nay khi xuất hiện tại chương trình trao giải cuộc thi Sống đẹp, chị một lần nữa nói về Củ Chi: khi nào còn sống thì còn làm thiện nguyện cho nơi này.
Chị nói: "Không ai sinh ra trên đời được lựa chọn cha mẹ, anh chị em. Cũng không ai được chọn lựa mình đẹp xấu. Tôi biết ngoài kia vẫn còn rất nhiều người kém may mắn hơn tôi. Song tôi muốn gửi gắm một điều rằng: hãy lựa chọn một thái độ sống tốt với đời khi mình không có nhiều lựa chọn".
Chị nói về những dự định trong tương lai của thư viện mini Cô Ba: "Mỗi ngày mở mắt ra, tôi thấy mình còn thở đã là may mắn lắm rồi. Do đó, khi nào tôi còn sống là còn tiếp tục làm công tác thiện nguyện cho bà con nghèo và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài Củ Chi quê tôi".
Nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy, thành viên ban giám khảo, xúc động chia sẻ: "Tôi may mắn khi được làm giám khảo của cuộc thi. Tôi vui khi các bài mình yêu thích đều đoạt giải, các nhân vật mình quý trọng được vinh danh. Tôi nghĩ, cuộc thi Sống đẹp sắp tới không cần phải thay đổi gì nhiều, quan trọng nhất là sự chân thật, giản dị và đặc biệt là tính lan tỏa mà cuộc thi tạo nên. Ví dụ như các lão nông trong bài viết Những lão nông "lấy lòng đo lòng", mọi người gắn kết với nhau thông qua các hoạt động, cho thấy sự gắn bó, tương trợ. Và chính điều đó cũng là bài học đáng trân quý rồi".