Truy xuất nguồn gốc nông sản hiện nay là yếu tố quan trọng để quyết định nông sản có thể tham gia vào chuỗi liên kết, cung ứng nông sản an toàn cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Từ đó hình thành nên lòng tin và sự an tâm của người tiêu dùng khi lựa chọn nông sản Việt Nam.
Thực tế cho thấy, các thị trường khó tính trên thế giới như: EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc... đã đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt, truy xuất nguồn gốc đã trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu.
Đơn cử như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã đưa ra những quy tắc mà tại đó, hàng hoá Việt Nam muốn xuất khẩu sang EU, phải tuân thủ nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc.
Cụ thể, Điều 2.9 Hiệp định EVFTA đã quy định nhiều nội dung liên quan đến điều tra, xác định và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa có gian lận về xuất xứ. Trong đó, nếu hàng hóa có dấu hiệu (chưa cần có kết luận của cơ quan điều tra) gian lận về xuất xứ thì phía EU sẽ được quyền tạm ngưng áp dụng ưu đãi thuế quan đối với lô hàng đó hoặc đối với toàn bộ, hàng hóa ngành hàng liên quan.
Ngoài ra, Global G.A.P cũng là tiêu chuẩn tối thiểu để các sản phẩm có thể được đưa vào các siêu thị ở EU. Tiêu chuẩn này yêu cầu người sản xuất phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát từ khâu canh tác đến thu hoạch tập trung vào yếu tố an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Tương tự như EU, Trung Quốc cũng là một thị trường lớn của Việt Nam. Trong những năm gần đây, thị trường này cũng đã ban hành nhiều chính sách kiểm soát thương mại biên mậu và kiểm tra an toàn thực phẩm.
Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc phải chủ động trong kế hoạch kinh doanh, đáp ứng đúng các quy định kiểm soát của Trung Quốc như nguồn gốc xuất xứ, bao bì nhãn mác, chất lượng hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn thương mại... đồng thời, phải được cơ quan Hải quan Trung Quốc xác nhận truy xuất nguồn gốc.
Trước những đòi hỏi ngày một khắt khe của thị trường thế giới, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu bền vững, tránh những thiệt hại không đáng có, đặc biệt là mặt hàng nông sản, theo chuyên gia, cần tăng cường ứng dụng truy xuất nguồn gốc.
Nhìn nhận xoay quanh vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho rằng, để gia tăng khả năng sản xuất và xuất khẩu bền vững, doanh nghiệp cần xem xét đầu tư nghiên cứu gia tăng hàm lượng giá trị của sản phẩm, giảm phụ thuộc cạnh tranh về giá, đồng thời chuyển sang cạnh tranh về chất lượng công nghệ, cũng như đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc đối với các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sản phẩm.
Đồng quan điểm nêu trên, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế hội nhập ngày càng phát triển, doanh nghiệp Việt đang đứng trước những thử thách và trở ngại rất lớn khi tiếp cận thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước bởi sự xuất hiện của sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Bên cạnh đó, thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam. Để hàng xuất khẩu có thể mở rộng thị trường, đặt chân đến những thị trường khó tính như: EU, Mỹ,... các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản cần đảm bảo yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó có vấn đề thực hiện truy xuất nguồn gốc.
“Thực tế hiện nay, yêu cầu khắt khe cho các mặt hàng nhập khẩu của một số nước phát triển trên thế giới và yêu cầu về hàng hóa được đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của người tiêu dùng trong nước ngày càng cao”, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ.
Đồng thời khuyến nghị, thời gian tới, để tăng cường ứng dụng truy xuất nguồn gốc, người nông dân và doanh nghiệp cần thay đổi tư duy về thương mại nông sản quốc tế, chủ động đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, nhất là các thị trường như EU, Mỹ, thậm chí cả Trung Quốc, bằng cách thực hiện nghiêm túc, bài bản từ khâu sản xuất ở vùng nguyên liệu đến khâu chế biến để bảo đảm chất lượng đầu ra sản phẩm.
Trong đó, cần sớm lưu ý việc triển khai các nội dung giúp nâng cao giá trị nông sản Việt như xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển nông nghiệp bền vững (giảm sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học; giảm thất thoát chất dinh dưỡng; tăng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ...).