Trong khi thị trường đang "khát" nguồn cung các sản phẩm Halal, thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ có xuất khẩu được khoảng 20 mặt hàng cho thị trường này.
Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu dự đoán, chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức gần 1.700 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 50% lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông và châu Phi là sản phẩm Halal. Các mặt hàng thủy sản, nông sản và thực phẩm chế biến Halal cũng chiếm khoảng 30-35% tổng kim ngạch xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam sang khu vực này.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có thế mạnh ở nông sản, thực phẩm chế biến và thủy sản. Tuy nhiên, thế mạnh trên lại chưa được hiện thực hóa thành giá trị. Hiện chúng ta có khoảng 1000 doanh nghiệp có chứng nhận Halal nhưng vẫn chưa có tên trong danh sách 30 nhà cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu và số mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này chỉ khoảng hơn 20 mặt hàng. Với “miếng bánh” lớn hàng nghìn tỷ USD, nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc đều tìm cơ hội kinh doanh và là đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam.
Trao đổi với DĐDN, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho biết, hiện nay kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả của Việt Nam vào thị trường Halal chỉ đạt khoảng 150-200 triệu USD/năm là không nhiều. Trong khi đó, nếu xét về quy mô dân số thị trường Halal có khoảng 2 tỷ người, chiếm 25% dân số thế giới.
“Thị trường Halal đầy tiềm năng nhưng khó khăn hiện nay là các nước hồi giáo tiêu thụ sản phẩm Halal cũng tương đồng về vĩ độ với Việt Nam, do đó khí hậu và sản phẩm cũng tương đồng, tạo sự cạnh tranh rất lớn. Chúng ta xuất khẩu thanh long sang Indonesia và Malaysia nhưng các nước này hiện cũng đã trồng được, bên cạnh đó sản phẩm dừa, chuối cũng đã có sự cạnh tranh”, Tổng thư ký VINAFRUIT nhận định.
Bên cạnh đối mặt với sự cạnh tranh của nhiều quốc gia như Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã có kinh nghiệm và uy tín trong việc xuất khẩu các sản phẩm Halal, văn hóa tiêu dùng khác biệt tại thị trường Trung Đông và châu Phi cũng là điểm nghẽn cản trở doanh nghiệp Việt, từ cách thức tiêu thụ sản phẩm, sở thích về hương vị, bao bì… cho đến phương thức quảng bá sản phẩm.
Trong khi chứng nhận Halal được xem là bắt buộc, được tính là “vé khởi hành”, song các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm, dịch vụ Halal không có sự thống nhất trong phạm vi quốc tế hay khu vực, mỗi quốc gia lại có yêu cầu riêng về tiêu chuẩn Halal đối với hàng nhập khẩu và đây là rào cản không nhỏ. Ngoài ra, chi phí đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguồn nguyên liệu an toàn trong các khâu từ đóng gói, vận chuyển, bảo quản… theo tiêu chuẩn Halal thường cao hơn so với sản xuất, xuất khẩu sản phẩm thường.
Do đó, để mở cánh cửa khai phá tốt hơn thị trường Halal, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN&PTNT cho rằng, các doanh nghiệp cần hiểu đúng về tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa tiêu dùng tại từng thị trường xuất khẩu cũng như tìm hiểu kỹ hơn về cách thức đưa sản phẩm vào thị trường này.
Đồng quan điểm, ông Addy Perdana Soemantry, Trưởng Bộ phận thương mại, Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam nhấn mạnh, các doanh nghiệp phải hiểu rằng Halal không chỉ là một ngành công nghiệp, mà là một lối sống của người Hồi giáo. Để phát triển Halal, hiểu biết sâu sắc về lối sống Halal là điều quan trọng.
Do đó, trước tiên Việt Nam phải tận dụng cộng đồng Hồi giáo và đảm bảo vai trò tích cực của họ trong sự phát triển của ngành công nghiệp Halal. Những cộng đồng này có kiến thức để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp Halal, không chỉ với tư cách là cố vấn mà còn là những người hành động.
Thứ hai, Việt Nam cũng cần phát triển các cơ quan Halal do Chính phủ thành lập, thúc đẩy hợp tác với các quốc gia khác, thử nghiệm và đánh giá sản phẩm, cũng như xây dựng quy trình cho các chứng chỉ Halal. “Với những trụ cột như vậy, Việt Nam không chỉ có thể xuất khẩu sản phẩm của mình sang các quốc gia Hồi giáo để tiêu thụ quốc tế mà còn có thể cung cấp các sản phẩm Halal cho tiêu dùng trong nước. Điều này sẽ kéo theo nhiều du khách nước ngoài theo đạo Hồi đến Việt Nam hơn”, ông Addy Perdana Soemantry chia sẻ.
Từ góc độ Hiệp hội, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, doanh nghiệp cần chiến lược “may – đo” cho từng thị trường Halal để thâm nhập sâu hơn. Bên cạnh đó, phải đa dạng và đẩy mạnh các mặt hàng chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu Halal như ép nước trái cây làm đồ uống, gia vị, rau quả đông lạnh hoặc sấy khô để tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...