Xuất khẩu sang thị trường Mỹ tiếp đà phục hồi từ cuối năm 2023 đã mang về 17,4 tỷ USD cho Việt Nam, con số này đã có đóng góp đáng kể vào doanh thu xuất khẩu gần 60 tỷ USD của nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2024.
Gần 1,8 tỷ USD máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu thành công sang Mỹ trong tháng 1/2024, tăng gần 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp theo là máy móc thiết bị, điện thoại mang về lần lượt 1,56 tỷ USD và 1,4 tỷ USD, dệt may 1,32 tỷ USD.
Sự phục hồi đơn hàng tại thị trường hơn 340 triệu dân, có mức tiêu thụ cao, đã góp phần mang về doanh thu 17,4 tỷ USD cho xuất khẩu chỉ trong 2 tháng đầu năm, tăng gần 34% so với cùng kỳ.
Nhìn vào kết quả này, chúng ta có thể thấy hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao như hàng điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh, các sản phẩm may mặc và giày dép, còn lại là các sản phẩm về nội thất và nông sản.
Nhiều năm liên tiếp, Mỹ là điểm đến quan trọng của hàng Việt. Năm 2023, dù chịu nhiều tác động từ suy giảm kinh tế, lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu, nhưng Việt Nam vẫn xuất khẩu gần 97 tỷ USD hàng đi Mỹ.
Với lượng hàng hóa xuất khẩu có giá trị gần 110 tỷ USD và 97 tỷ USD trong 2 năm gần nhất (2022 - 2023), Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD/năm và giữ vững vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Đánh giá về sự “bùng nổ” thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngay trong những tháng đầu năm 2024, theo Tham tán thương mại – Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng, triển vọng và tiềm năng hợp tác giữa hai thị trường Việt Nam – Hoa Kỳ đang trên đà bứt tốc mạnh mẽ.
Đặc biệt, hàng Việt đang có môi trường thuận lợi để gia tăng thị phần tại Hoa Kỳ. Vì Mỹ sẽ tiến hành bầu cử Tổng thống vào năm 2025, do đó chính sách thương mại khó có thay đổi đáng kể trong năm 2024 khiến cho các quy định về hoạt động xuất nhập khẩu cũng sẽ ổn định.
“Điều đáng chú ý, nhiều chính sách của Mỹ đang mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa của Việt Nam, như chính sách tăng cường mua hàng từ các nước, giảm phụ thuộc quá nhiều vào hàng Trung Quốc…”, ông Đỗ Ngọc Hưng nói.
Đồng quan điểm, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định, việc Mỹ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hướng về các thị trường ASEAN sẽ giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải bình luận, bối cảnh hiện nay tại Hoa Kỳ đã có một số yếu tố tích cực hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam.
Đơn cử, Cục Dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024. Trong khi đó, vấn đề hàng tồn kho cao đang dần được khắc phục. “Đây là những thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này”, ông Trần Thanh Hải bày tỏ.
Vẫn theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, dư địa để gia tăng thị phần các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta tại thị trường Hoa Kỳ còn rất lớn.
“Trong bối cảnh Mỹ muốn đa dạng chuỗi cung ứng, nếu nỗ lực chúng ta có thể đạt được những con số xuất khẩu ấn tượng vào thị trường này trong năm 2024”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.