Đó là một trong những nội dung quan trọng được UBND TP.HCM nhấn mạnh trong văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn phê duyệt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), trước khi phê duyệt dự án đầu tư để thực hiện trước công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Nhân rộng mô hình Vành đai 3
Đáng chú ý, trong văn bản đề xuất, UBND TP.HCM lấy dẫn chứng về những mặt tích cực khi áp dụng cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Cụ thể, UBND TP.HCM cho rằng, dự án Vành đai 3 được Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.
Theo UBND TP.HCM, với cách làm như vậy, TP.HCM đã chủ động tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) GPMB của các dự án thành phần theo từng giai đoạn để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong đó, ở khâu hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB trên sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp dự án đầu tư được duyệt. Trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) GPMB được phê duyệt, các địa phương xác định nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư…
"Thực hiện theo cơ chế trên, thành phố đã tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư rất hiệu quả, rút ngắn thời gian so với cách làm thông thường 1 - 1,5 năm (chỉ sau đúng một năm kể từ thời điểm dự án được quyết định chủ trương đầu tư, đã tổ chức bàn giao mặt bằng trên 70% để triển khai thi công công trình, vượt tiến độ theo kế hoạch của Chính phủ)" - văn bản của UBND TP nêu.
Cũng theo UBND TP.HCM, hiện nay, TP đang triển khai các dự án trọng điểm với quy mô lớn như: cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường Vành đai 4 TP.HCM, xây dựng đường Vành đai 2 - đoạn 1 (đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp), xây dựng đường Vành đai 2 - đoạn 2 (đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng)... Trong đó, công tác GPMB là công việc phức tạp, khó khăn, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, phải thực hiện rất nhiều bước, nhiều thủ tục mới có đủ cơ sở quyết định thu hồi đất nên cần ưu tiên triển khai trước một bước. Thời gian hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có ý nghĩa then chốt quyết định đến tiến độ thực hiện dự án. Trường hợp xác định ranh GPMB trước một bước sẽ tăng tính chủ động, triển khai sớm các công việc liên quan, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án.
Vì vậy, nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường Vành đai 3.
Nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí
Liên quan đến những lý do TP đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù trong giải phóng mặt bằng, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Sở dĩ TP.HCM đề xuất cơ chế đặc thù cho các dự án đầu tư công, đặc biệt đối với các dự án hạ tầng giao thông, xuất phát từ thực tiễn, những mặt tích cực trong quá trình thực hiện dự án Vành đai 3 TP.HCM. Trong đó, công tác bồi thường GPMB, hỗ trợ, tái định cư là những hạng mục mất nhiều thời gian trong quá trình triển khai dự án.
Do đó, thực hiện Thông báo số 161/TB-VPCP ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Văn Phòng Chính phú về kết luận của Thường trực Chính phù tại buổi làm việc với Ban Thường Vụ Thành uỷ TP.HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tại khoản 9 phần III Thông báo kết luận về việc: “cho phép Thành phố thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án Nhóm A (dự án thành phần giải phóng mặt bằng) tương tự như cơ chế thực hiện của Dự án đường Vành đai 3”.
Ở phần nội dung này, Thường trực Chính phủ thống nhất chỉ đạo và giao Bộ Xây dựng chủ trì khẩn trương hướng dẫn UBND TP.HCM để đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án giao thông trọng điểm của Thành phố và báo cáo lại Thủ tướng Chinh phủ trong tháng 5 năm 2023. Tuy nhiên đến nay, TP.HCM vẫn chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Xây dụng về nội dung trên.
Cũng theo ông Lâm, căn cứ từ những nội dùng này, ngày 23/2/2024, Sở GTVT có văn bản số 2203/SGTVT-XD báo cáo UBND TP.HCM về việc hướng dẫn việc phê duyệt ranh GPMB trước khi phê duyệt dự án đầu tư để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
“Do đó, nếu các dự án hạ tầng giao thông của TP.HCM được áp dụng cơ chế đặc thù như dự án Vành đai 3, TP.HCM sẽ rút ngắn được thời gian, chi phí trong quá trình triển khai dự án; tăng tốc, đồng bộ các công trình giao thông để phát triển kinh tế - xã hội”, ông Lâm nêu.
Chia sẻ về những mặt tích cực khi áp dụng cơ chế đặc thù trong dự án Vành đai 3 TP.HCM, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (BQLDA), cho rằng khi áp dụng cơ chế đặc thù sẽ giải quyết rất nhiều những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, như: đẩy nhanh tốc độ, chuẩn bị dự án, các công việc khảo sát xây dựng, lập, thẩm định, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dụng hoặc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư... Mặt khác, khi áp dụng cơ chế đặc thù thì ngoài vấn đề đẩy nhanh được tiến độ GPMB, hỗ trợ, tái định cư … còn tiết kiệm được thời gian hoàn thành và chi phí khá lớn.
Lấy dẫn chứng, ông Phúc cho biết, đơn cử tại dự án Vành đai 3, trong quá trình thực hiện công tác GPMB, TP.HCM đã tiết kiệm được hơn 7000 tỉ đồng so với khái toán ban đầu. Tất nhiên, để tiết kiệm được số tiền trên thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, vấn đề con người, sự vào cuộc của cả hệ thống Chính trị mới có thể thành công.