PMI giữ vững trên ngưỡng 50
Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, chỉ số PMI ngành sản xuất của toàn khối ASEAN tháng 02 tăng nhẹ lên 50,4 điểm từ 50,3 điểm trong tháng 01/2024. Điều này cho thấy, ngành sản xuất của ASEAN có các điều kiện kinh doanh tiếp tục cải thiện trong tháng 2, mặc dù mức cải thiện không đáng kể.
Số lượng đơn đặt hàng tăng so với tháng trước và số lượng nhân viên tăng đã giúp sản lượng duy trì đà tăng. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn không thể có số lượng đơn đặt hàng mới tăng khi nhu cầu khách hàng giảm ở các quốc gia như Thái Lan, Myanmar và Malaysia. Trong đó, Thái Lan là quốc gia có số lượng đơn đặt hàng mới cũng như các hoạt động giảm mạnh nhất trong số các quốc gia ASEAN được khảo sát.
Trong khi đó, chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhẹ lên 50,4 điểm trong tháng 2 khi cả sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều tăng tháng thứ 2 liên tiếp. Đà tăng trưởng duy trì giúp việc làm tăng trở lại, trong khi, niềm tin kinh doanh ghi nhận ở mức cao nhất của một năm.
“Tuy nhiên, mức tăng trưởng tổng thể vẫn tương đối yếu, và điều này khiến các công ty tiếp tục thận trọng trong hoạt động mua hàng và duy trì hàng tồn kho. Bên cạnh đó, mức độ tăng giá cũng nhẹ khi một số công ty vẫn do dự trong việc tăng giá trong một môi trường cạnh tranh”, TPS đánh giá.
Theo Công ty Chứng khoán này, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2024 ước đạt 509,7 nghìn tỷ đồng, giảm 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ghi nhận 1.031 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 14,7%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá ghi nhận 798,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,4% tổng mức và tăng 6,8% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ghi nhận 118,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 14% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ghi nhận 9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 35,8% so với cùng kỳ.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2024 ghi nhận 1,5 triệu lượt khách. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3 triệu lượt khách, tăng 68,7% so với cùng kỳ và bằng 99% so với trước dịch (cùng kỳ năm 2019).
“Sự hồi phục của nhiều lĩnh vực như xuất khẩu, đầu tư công, FDI, du lịch và sản xuất đang là những yếu tố tích cực tác động tới thị trường nội địa trong những tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, kỳ vọng Fed giảm lãi suất trong năm nay và sự tăng lên của các đơn hàng mới xuất khẩu đang góp phần làm niềm tin kinh doanh cũng được tăng lên. Kết quả, các doanh nghiệp đã tăng cường mở rộng sản xuất và tuyển dụng lao động, góp phần tạo thu nhập ổn định cho người tiêu dùng – yếu tố chính thúc đẩy thị trường tiêu thụ trong nước. Chúng tôi kỳ vọng rằng, thị trường bán lẻ trong nước sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024, rõ nét nhất kể từ quý 3/2024 – thời điểm kỳ vọng Fed quyết định cắt giảm lãi suất”, TPS nhận định.
Một tháng có hơn 20,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới
Cũng theo TPS, trong tháng 02/2024, cả nước có gần 8,6 nghìn doanh nghiệp mới, giảm 36,5% so với tháng trước và giảm 2,8% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 5,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 61,3% so với tháng trước và tăng 36% so với cùng kỳ.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước có hơn 22,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 12,4% so với cùng kỳ và gần 19 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 4,4% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2024 lên gần 41,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Bình quân một tháng có hơn 20,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 02/2024, có 5.146 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 88,3% so với tháng trước và tăng 35,3% so với cùng kỳ; có 2.153 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 72,4% so với tháng trước và giảm 18,3% so với cùng kỳ; có 1.506 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 30,4% so với tháng trước và tăng 29% so với cùng kỳ.
Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 49,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 27,1% so với cùng kỳ; 10 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 6,5% so với cùng kỳ; gần 3,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Bình quân một tháng có 31,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
“Cũng giống như tháng 02/2021, hoạt động khởi nghiệp kinh doanh khá trầm lắng trong tháng 02/2024 là do Tết Nguyên đán rơi trọn vào trong tháng 02. Hoạt động khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ tích cực hơn trong những tháng tới khi mà xuất khẩu và thị trường tiêu thụ trong nước đang dần khởi sắc kể từ đầu năm 2024 đến nay. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI tăng mạnh, đặc biệt là lợi thế về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn sẽ giúp cho Việt Nam thu hút được nguồn vốn FDI hơn, nhiều doanh nghiệp phụ trợ, xuất khẩu sẽ được ra đời nhiều hơn”, TPS nhận định.