Thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết ,ước tính sơ bộ 3 tháng đầu năm xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã đạt gần 1,25 tỉ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023.
Điều đáng chú ý, đó là trong top 10 thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam (cập nhật đến hết tháng 2) có thị trường Thái Lan tăng trưởng rất cao ở mức 125,9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 28,6 triệu USD đã đưa thị phần của Thái Lan tăng từ 2% lên gần 4%.
Nhờ mức tăng trưởng cao, Thái Lan đã vươn lên là thị trường nhập khẩu rau quả số 4 của Việt Nam, trong khi chỉ vài năm trước Thái Lan còn chưa lọt vào top 10.
Bình luận về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết sự tăng trưởng đột biến của thị trường Thái Lan là từ mặt hàng sầu riêng. Thái Lan mạnh về du lịch, khách Trung Quốc đến nhiều và rất thích ăn sầu riêng.
"Tuy nhiên, sầu riêng nội địa Thái Lan chỉ rộ khoảng 4 tháng mỗi năm còn Việt Nam có hàng quanh năm nên họ nhập hàng về để phục vụ du khách. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu một ít thanh long, nhãn và vải thiều khi hết vụ", ông Nguyên nói.
Thương mại rau quả giữa Việt Nam và Thái Lan đã có sự đổi chiều ngoạn mục. Trước đây, Thái Lan xuất siêu sang Việt Nam với nhiều mặt hàng như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, chôm chôm, dứa… nhưng nay nước này lại nhập siêu sản phẩm từ Việt Nam.
Vào năm 2014, Thái Lan là nguồn cung rau quả số 1 cho Việt Nam, vượt cả Trung Quốc và duy trì đến năm 2019 với giá trị 464,2 triệu USD.
Năm 2023, Việt Nam chỉ còn nhập từ Thái Lan 46,5 triệu USD rau quả từ Thái Lan, chỉ bằng 1/10 so với năm 2019 và rơi xuống vị trí số 9 nguồn cung cấp rau quả cho Việt Nam.
Ở khía cạnh khác, theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế nếu nhìn vào kim ngạch xuất khẩu ngành rau quả Thái Lan sẽ thấy họ đã đi trước chúng ta cả chục năm. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước này hiện cũng chỉ đạt 8 tỷ USD/năm.
Trong khi, ngành hàng rau quả Việt tuy chỉ mới cải tiến 1 - 2 năm nay nhưng hiện đã rút ngắn khoảng cách. Điều đó chứng tỏ nông dân, HTX và doanh nghiệp đã áp dụng thành công sản xuất nông nghiệp. Đây là hướng đi bền vững, tạo sự đột phá cho ngành rau quả nói riêng, ngành nông nghiệp của Việt Nam nói chung.
Sản xuất nông nghiệp tốt thì ngành rau quả Việt cũng phải chú trọng nhiều hơn về chất lượng, không “chăm chăm” chạy theo số lượng. Đặc biệt, nếu có vùng chuyên canh lớn và an toàn thực phẩm thì xuất khẩu rau quả sẽ còn tăng nhiều hơn so với hiện nay.
Và vấn đề không thể thiếu theo các chuyên gia kinh tế, đó là các nông dân trồng rau quả cần phải sẵn sàng liên kết sản xuất theo kiểu mới, miễn là bán được hàng với giá cao. Tức là, sẽ cùng sản xuất một thứ trái, sản xuất theo cùng một quy trình.
Theo cách này thì mặc dù với diện tích từng hộ rất nhỏ, nhưng sản lượng của cả làng, cả xã sẽ lớn, đủ để tham gia xuất khẩu. Mặc dù nông dân đã sẵn sàng, nhưng câu hỏi đặt ra là ai đứng ra để nói với nhà vườn nên sản xuất theo cách mới?
Điều này rất cần vai trò của Nhà nước tiếp tục tạo ra chính sách để khuyến khích, thúc đẩy nông dân hợp tác liên kết mạnh mẽ hơn nữa.