Nhu cầu thực tế

Tại Hội thảo tham vấn kỹ thuật điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu chiều ngày 4/5 mới đây, đại diện Bộ Công Thương cho biết, phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự sử dụng, tự cung tự cấp cho nhu cầu của chính mình, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện. Đồng thời tại Hội thảo Bộ Công Thương cũng giữ đề xuất, ĐMTMN loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ không được bán hoặc bán giá 0 đồng do lo ngại, mua, bán điện mặt trời mái nhà sẽ cổ súy cho việc trục lợi chính sách.

Doanh nghiệp mong mỏi chính sách điện mặt trời mái nhà

Dự án điện mặt trời mái nhà được lắp tại nhà máy VSIP Hải Phòng vận hành vào tháng 04/2023 có Công suất 4100 kWp do công ty EPC Solar lắp đặt

Trước nhận định của đại diện Bộ Công Thương, các chuyên gia năng lượng tái tạo cho rằng, đồng quan điểm, chia sẻ với Bộ trưởng về đề xuất không bán điện lên lưới cho EVN, nhưng cần làm rõ khái niệm “khuyến khích”. Nếu khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà thì cần có cơ chế thu hút và tạo động lực cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển. Trong đó chỉ cần có cơ chế cho việc tự sản tự tiêu và bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác (ngoại trừ EVN) đã là khuyến khích rồi.  “Doanh nghiệp cũng không cần mong muốn phải bán điện dư lên lưới” - một chuyên gia năng lượng chia sẻ.

Vậy tại sao phải cần có chính sách khuyến khích phát triển ĐMTMN, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp các doanh nghiệp sản xuất cho biết: Xu hướng thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, doanh nghiệp Việt Nam đã lên kế hoạch chi tiết cho mục tiêu sử dụng năng lượng. Theo đó, nguồn năng lượng xanh từ điện mặt mái nhà đang là nguồn điện bổ sung hữu ích nhất giúp họ giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng và được sở hữu “chứng chỉ xanh”, chứng minh cho lộ trình giảm phát thải, thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN phải bỏ ra số tiền lớn và tính toán chi phí vận hành, bảo dưỡng…thì không phải doanh nghiệp nào cũng đầu tư được.

Bà Trần Tố Loan, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ - nhà đầu tư Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, TP. Hải Phòng chia sẻ, bên cạnh việc đặt trọng tâm về phát triển kinh tế và tạo ra lợi nhuận cho chủ đầu tư thì hiện nay các KCN lớn cũng đặt trọng tâm vào vấn đề bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Thậm chí chưa tính đến bài toán xanh hóa, mà các KCN còn lo có đảm bảo được cung ứng điện cho sản xuất vào mùa nắng nóng hay không?

Bà Loan bày tỏ, nếu như trước đây, các doanh nghiệp quan tâm nhiều đến ưu đãi thuế, tiền thuê đất thì vài năm trở lại đây, họ quan tâm đến vấn đề năng lượng điện. Các khu công nghiệp có nhiều doanh nghiệp có sẵn nhà xưởng, nhà kho, nhưng không được phép lắp đặt. Như vậy chính sách cho khu công nghiệp lắp đặt hay cho doanh nghiệp khác thuê mái để phát triển ĐMTMN, hiện nay chưa có quy định rõ ràng.

Cũng theo bà Loan tiến trình hội nhập và xanh hóa đang diễn ra mạnh mẽ, các KCN lớn cũng đang xây dựng hướng tới mô hình KCN sinh thải, phát triển bền vững. Tuy nhiên, KCN hiện nay còn gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, chính sách và cơ chế, khiến sự chuyển đổi diễn ra rất chậm so với tiến độ khu công nghiệp mong muốn.

Đặc biệt “phát triển KCN bền vững là không chỉ nói đến năng lượng xanh hơn sạch hơn, mà phải nói đến yếu tố là sử dụng hiệu quả hơn. Nếu chỉ nói đến tự sản tự tiêu trong các KCN đơn thuần nghĩa là đang lãng phí nguồn năng lượng” – bà Loan cho biết.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Vũ Chiên, Phó Trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Nam Định cho biết: Nếu để doanh nghiệp tự đầu tư thì họ phải đối mặt với sức ép về chi phí đầu tư. Dẫn chứng điều này Ông Chiên nói, để đầu tư sản xuất 1 MW điện cần khoảng 13 tỷ VNĐ, đây là khoản tiền lớn khiến cho các doanh nghiệp lo ngại về việc thu hồi vốn, ngoài ra chưa kể công tác vận hành ra sao, sửa chữa nếu hỏng hóc thế nào? Mặt khác, một nhược điểm khác là mùa nóng ở Nam Định nói riêng và miền Bắc nói chung chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, với hiệu suất năng lượng mặt trời không đủ mạnh như ở hai miền Trung và Nam, dẫn đến nguồn năng lượng tiêu thụ không đáng kể, làm giảm lợi nhuận so với chi phí đầu tư ban đầu.

“Để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, mặc dù tỉnh Nam Định đã gửi văn bản yêu cầu Bộ Công Thương hỗ trợ việc sử dụng điện mặt trời trên mái nhà cho khu công nghiệp, nhưng hiện vẫn chưa có cơ chế giải quyết triệt để vấn đề trên. Trong thời gian tới, tỉnh Nam Định mong muốn các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công Thương có các hướng dẫn cụ thể hơn về các tiêu chuẩn và phương pháp thực hiện việc xây dựng, lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà” - ông Chiên cho biết.

Còn theo Bà Vũ Thị Thu Hằng - Giám đốc Kinh doanh CTCP KCN Gilimex: Hiện nay, xu hướng phát triển khu công nghiệp (KCN) mới phát triển đều hướng đến tiêu chí xanh, sạch, thông minh và bền vững; đòi hỏi các chủ đầu tư hạ tầng phải chú trọng các giải pháp tự động hóa, hiện đại, tối ưu. Đặc biệt là việc sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời mái nhà đang rất được quan tâm vì nó có thể giải quyết được 2 vấn đề mấu chốt gồm: đảm bảo mục tiêu sản xuất xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường quốc tế; giải quyết bài toán thiếu điện trong sản xuất, vận hành thương mại. Giá trị của nguồn năng lượng xanh từ điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) là rất lớn, có thể giúp mô hình KCN sớm tiến tới mục tiêu sinh thái, trung hòa carbon và phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư phát triển điện mặt trời còn gặp nhiều khó khăn, chưa có hành lang pháp lý để các KCN thực hiện.

Doanh nghiệp mong mỏi chính sách điện mặt trời mái nhà

Đầu tư vào năng lượng mặt trời là một bước cụ thể hóa định hướng phát triển bền vững ở tất cả chuỗi giá trị của Vinamilk

Đề xuất giải pháp

Góp ý cho cơ chế phát triển ĐMTMN, theo các chuyên gia năng lượng tái tạo, phát triển ĐMTMN trong KCN cần có chính sách riêng, việc không thể bán điện dư thừa cho các tổ chức, cá nhân hoặc khấu trừ vào tổng sản lượng sử dụng dẫn đến không hiệu quả tổng thể khi đầu tư hệ thống điện mặt trời, nhất là tại khu vực có chênh lệch lớn về hiệu suất điện mặt trời theo thời điểm (miền Bắc). Vì vậy, ngoài tự sản tự tiêu, nên cho phép mở kinh doanh điện mặt trời giữa các tổ chức cá nhân để có giá điện thấp hơn chi phí bình quân, ví dụ khu vực công nghiệp giá điện thấp hơn bình quân, hoặc dân cư khu vực nông thôn, miền núi, khu vực hành chính sự nghiệp…. để giảm lỗ cho EVN.

Thông tin về phương án tính giá điện, các chuyên gia cho biết, cần có cơ chế cân bằng, chúng ta cần chuyển đổi nhanh qua giá điện 2 thành phần, và cho phép mở rộng kinh doanh điện ở khâu dùng điện cuối; khi đó tách rõ giá điện dịch vụ phụ trợ, và giá điện lưới phân phối và bán lẻ. Như vậy giá điện cuối cùng khách hàng trả sẽ gồm 2 giá, giá cố định và giá biến đổi (trong giá biến đổi có dịch vụ phụ trợ hay còn gọi dịch vụ cân bằng). Giá cố định này là thường chính là giá truyền tải, giá phân phối và giá điện công suất nguồn của các nhà máy truyền thống nằm chờ không phát. Trong đó, phần giá biến đổi là giá nhiên liệu phát điện, giá điện NLTT, giá dịch vụ cân bằng. Khách hàng luôn phải trả chi phí cố định cho điện lực để bảo toàn hệ thống hạ tầng và nguồn điện dự phòng khi không có NLTT. Phần còn lại người sử dụng điện tự do lựa chọn, có thể mua điện hoặc tự phát điện. Cơ cấu này luôn giữ cân bằng và không thiệt hại đến các chi phí của điện lực cấp nhưng vẫn đảm bảo được hệ thống cấp đủ điện.

Chia sẻ rõ hơn, chuyên gia năng lượng cho biết; cơ cấu giá điện bán lẻ của chúng ta được xác định dựa trên ba thành phần chi phí chính: chi phí nguồn điện, truyền tải và phân phối. Trong đó, chi phí nguồn phát điện chiếm khoảng 80% (khoảng 25% trong số 80% nguồn là chi phí cố định, chiếm khoản 20%), chi phí truyền tải và phân phối chiếm 20%. Như vậy giá cố định chiếm khoảng 40%, còn lại là chi phí biến đổi khoảng hơn 60% (chi phí biến đổi trong đó có cả dịch vụ phụ trợ, cân bằng). Như vậy với khoảng hơn 60% chi phí biến đổi trong giá thành cuối cùng là chi phí biến đổi thì việc phát triển ĐMT tại chỗ có thể thay thế được một phần đây cũng là quyền tự do của người sử dụng điện và khi đó mọi chi phí tự cân bằng.

Phân tích thêm, các chuyên gia khác cho rằng, cùng các ưu điểm giúp hệ thống điện giảm tổn thất điện năng; so với nguồn điện trung tâm, thường nằm xa phụ tải tiêu thụ tổn thất do truyền dẫn và phấn phối lên đến khoảng 7% sản lượng phát, thì hệ thống ĐMTMN hoàn toàn có lợi sẽ không làm tổn thất điện năng và có thể thỏa mãn các ưu điểm này.

Mặt khác, giá thành đầu tư ĐMTMN hiện đã rất thấp: Hiện nay, giá thành của điện mặt trời đã giảm xuống dưới 1.000 đồng/kWh (dưới 5 cents), vì giá Module PV hiện nay chỉ còn một nửa so với năm 2018, đây là thành phần chi phí chính của hệ thống điện mặt trời, nên hiện nay giá điện từ nguồn điện MTMN trở nên rẻ nhất, thậm chí còn rẻ hơn cả giá điện từ các nhà máy thủy điện mới xây dựng. Như vậy có thể thấy phát triển ĐMTMN kèm thêm một số quy định chống phát ngược lên lưới và quy định về phòng cháy chữa cháy thì mô hình này sẽ hoàn toàn phù hợp cho các doanh nghiệp sản xuất.