Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành để tạo không gian rộng hơn cho kinh tế sáng tạo.
Nhìn từ quốc tế
Đầu những năm 2000, Hàn Quốc đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu sản phẩm văn hóa, từ những bộ phim ngôn tình đốn tim khán giả châu Á đến “format” hành động trinh thám hấp dẫn người xem.
Hiện diện trên màn ảnh là thời trang, phong cách sống, xe hơi, công nghệ nghe nhìn, kéo theo âm nhạc K-Pop, làn sóng Hallyu. Hàn Quốc được đánh giá là trung tâm sáng tạo nội dung số hàng đầu thế giới.
Từ năm 2017 – 2022, làn sóng văn hóa giải trí Hàn Quốc đã góp phần tạo ra hiệu quả kinh tế lên tới 28,4 tỷ USD. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu nội dung văn hóa Hàn Quốc năm 2020 đạt 10,8 tỷ USD, năm 2021 đạt mức cao kỷ lục 12,4 tỷ USD, vượt xa một số ngành công nghiệp khác như đồ gia dụng, xe điện hay màn hình.
Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ hơn là can thiệp, dẫn dắt bằng việc đăng cai tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế để giới thiệu, quảng bá thương hiệu quốc gia. Ví dụ năm 1988, Hàn Quốc đã nỗ lực tổ chức Olympic mùa hè Seoul 1988 nhằm kết nối với thế giới, là cánh cửa để thế giới tìm đến với Seoul và Seoul vươn ra thế giới.
Trong khi đó, khoảng 2 thập kỷ trước, Trung Quốc đã có khái niệm “kinh tế sáng tạo” để tạo động lực chuyển đổi nền kinh tế thuần xuất khẩu sang sở hữu trí tuệ gốc, xây dựng thương hiệu quốc gia, tạo quyền lực “mềm” thông qua xuất khẩu văn hóa dựa trên nội dung số.
Một nhánh nhỏ của kinh tế sáng tạo Trung Quốc là nền điện ảnh đồ sộ không thua kém Hollywood. Năm 2021, với doanh thu 7 tỷ USD, Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ trở thành quốc gia có doanh thu phòng vé lớn nhất thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc đã tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008, Thế vận hội mùa đông 2022. Các sự kiện này được coi là những “cú hích” về mặt thương hiệu “mềm”.
Trung Quốc cũng ban hành Chiến lược “Made in China 2025” tập trung vào việc phát triển các lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng và công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao.
Hay như tại Mỹ, hoạt động kinh tế văn hóa và nghệ thuật chiếm 4,4% GDP, tương đương 1,02 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Khoảng 4,01% trong tổng số doanh nghiệp và 2,04% lao động đang tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp sáng tạo khác nhau…
Việt Nam cần phát huy thế mạnh
Theo một đánh giá trong 12 lĩnh vực vào năm 2020, Việt Nam xếp thứ 8 toàn cầu xét về giá trị xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ kinh tế sáng tạo, ví dụ như nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật tạo hình, âm nhạc và giải trí, xuất bản và văn học, sáng tạo nội dung số,…
Theo Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế TW (CIEM), Việt Nam chưa có khái niệm cụ thể về kinh tế sáng tạo phù hợp với thực tiễn. Do đó, chưa thể hoàn thiện khung khổ pháp lý rõ ràng, dẫn đến thiếu các hàm ý chính sách đủ chặt chẽ, khả thi.
Trước thực trạng trên, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần có giải pháp khơi thông tiềm năng kinh tế sáng tạo để góp phần tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Thứ nhất, từ kinh nghiệm của các quốc gia hàng đầu về kinh tế sáng tạo, điều kiện tiên quyết là cần có không gian pháp lý khoa học, minh bạch; lồng ghép kinh tế sáng tạo trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế, chính sách xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Đặc biệt, cần có “tấm khiên” sở hữu trí tuệ. Đối với hàng hóa, dịch vụ của lĩnh vực kinh tế này, sở hữu trí tuệ cũng giống như nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác của hàng hóa, dịch vụ thông thường.
Thứ hai, để khai thác hết tiềm năng to lớn hiện có, kế hoạch lớn, tầm nhìn xa là nền tảng xét theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia có nền kinh tế sáng tạo phát triển mạnh. Trong đó, Chính phủ Hàn Quốc từng cử hàng nghìn sinh viên sang châu Âu, Mỹ học tập nghiên cứu về công nghiệp giải trí, kỹ thuật làm phim, sản xuất các chương trình số. Hay như Trung Quốc đã xây dựng nhiều kế hoạch tổng thể có tầm nhìn xa, như Kế hoạch Thành phố Phục hưng; Kế hoạch Quốc gia Truyền thông; Kế hoạch Quốc gia Thiết kế.
Thứ ba, khơi thông và kích thích môi trường sáng tạo nội dung trong nước, từ đội ngũ văn nghệ sĩ, các công ty giải trí, kênh truyền hình chính thống đến các Youtuber, Tiktoker, Blogger, Videographer. Họ cần có không gian sáng tạo rộng rãi hơn.