Khoảng 54.000 BẤT ĐỘNG SẢN tồn kho
Cụ thể, nhóm các dự án quá 3 năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được phê duyệt từ năm 2023 trở về trước là 1.103 dự án, với diện tích hơn 8.573 ha được phân làm 4 nhóm. Nhóm các dự án chậm đưa đất vào sử dụng qua kiểm tra, rà soát báo cáo của UBND các quận huyện và TP.Thủ Đức là 149 dự án.
Trong khi đó, báo cáo từ Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, trong 8 năm qua TP có 138 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư. Nhưng thực tế theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), chỉ 52 dự án được xây dựng, với quy mô 35.556 căn hộ và 6.081 nhà thấp tầng được chấp thuận, hiện TP.HCM còn 86 dự án nhà thương mại đã được chấp nhận chủ trương đầu tư nhưng chưa thi công hoặc ngừng thi công. Trong đó, 30 dự án ngừng thi công, với 21.676 căn nhà, quy mô sử dụng đất trên 210 ha; 56 dự án chưa khởi công xây dựng, quy mô đất trên 754 ha, với 32.375 căn. Một số dự án như Khu trung tâm dân cư Tân Tạo - Khu A (Q.Bình Tân), diện tích gần 330 ha, hiện vẫn trong quá trình giải phóng mặt bằng. Như vậy tổng cộng TP.HCM đang có khoảng 54.000 sản phẩm bất động sản (BĐS) tồn kho.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhấn mạnh việc tồn kho lượng lớn dự án dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực, lãng phí tài nguyên đất và vi phạm nguyên tắc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả của luật Đất đai. Các chủ đầu tư của 86 dự án trên trong tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan", mất cơ hội kinh doanh, bị chôn vốn. 54.000 sản phẩm BĐS tồn kho cũng làm nghiêm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở, gây mất cân đối cung - cầu. Việc này dẫn đến TP nhiều năm nay lệch pha về phân khúc nhà ở cao cấp, thiếu nhà bình dân.
Đây cũng là nguyên nhân khiến giá nhà tăng liên tục, vượt quá sức mua của người thu nhập trung bình, thấp. "Chỉ tính riêng 2 năm qua, TP.HCM có 64 dự án BĐS của 57 doanh nghiệp gặp vướng mắc pháp lý kéo dài trong nhiều năm. Các dự án được chia thành 3 nhóm gồm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại không thuộc diện phải rà soát pháp lý và nhà ở thương mại bị thanh tra, kiểm tra. Trong khi BĐS là ngành chịu áp lực đáo hạn trái phiếu lớn nhất, khoảng 180.000 tỉ đồng trong 2025. Chính vì vậy doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn", ông Lê Hoàng Châu cho hay.
Lãnh đạo một doanh nghiệp nói với chúng tôi rằng TP dù đã lập các tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án, cho doanh nghiệp nhưng thực tế chưa mang lại nhiều kết quả, pháp lý cứ chạy "lòng vòng". Ngay như dự án của doanh nghiệp ông treo nhiều năm do chưa thể đóng tiền sử dụng đất, từ đó không thể xin cấp phép xây dựng được để triển khai các bước tiếp theo của dự án. Chỉ tính riêng dự án này công ty đang chôn vốn hàng ngàn tỉ đồng, mở rộng ra cả thị trường, số tiền "chôn" trong đất là rất lớn.
Phân loại dự án để xử lý
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều dự án nhà ở tại TP.HCM tồn kho kéo dài chủ yếu vì gặp vướng mắc pháp lý. Luật Đất đai 2024 và các luật liên quan BĐS dù đã được sửa đổi, nhưng thường có độ trễ và cần thời gian để các quy định thẩm thấu vào thị trường. Quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng, thực hiện dự án vẫn phải qua nhiều khâu, công đoạn nên mất thêm thời gian xem xét.
Do đó, để đẩy nhanh giải phóng hàng tồn kho cho 86 dự án trên, ông Lê Hoàng Châu đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, nhất là cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án bị vướng pháp lý nhiều năm.
Trước việc hàng ngàn dự án chậm triển khai, trùm mền, chính quyền TP.HCM tiếp tục có nhiều giải pháp gỡ vướng. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, thông tin đối với các dự án có phát sinh việc thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, Sở TN-MT đã kiến nghị UBND TP giao Thanh tra TP chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát, tổng hợp. Đối với các dự án còn lại Sở TN-MT sẽ chủ động rà soát, thực hiện theo kế hoạch của UBND TP và giải quyết hiệu quả, toàn diện các khu đất chưa sử dụng. Đến nay Sở đã tổ chức kiểm tra 13 dự án, đã có công văn yêu cầu chủ đầu tư báo cáo 82 dự án để làm cơ sở đề xuất xử lý. Các phòng ban chuyên môn của sở cũng đang tích cực phối hợp với UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức kiểm tra, rà soát, xác định các trường hợp dự án chậm đưa đất vào sử dụng báo cáo, tham mưu, đề xuất trình UBND TP xử lý theo quy định. Đến nay Sở TN-MT đã phân loại các dự án dừng thi công, chậm triển khai làm 5 loại để xử lý, gỡ vướng.
Tại cuộc họp mới đây với các sở ngành, sau khi nghe Sở TN-MT báo cáo về việc xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ, các khu đất không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường yêu cầu thành viên Tổ công tác và các sở ngành, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc việc xử lý hồ sơ, tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Sở TN-MT phải chủ động lập kế hoạch rà soát, phân loại các dự án, khu đất theo thẩm quyền, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch của UBND TP; trước mắt, khẩn trương phân loại, lập danh sách các dự án đầu tư công, các khu đất có diện tích lớn, vị trí đắc địa, có phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng... chưa đưa vào sử dụng (nhóm 5) báo cáo, tham mưu, đề xuất trình UBND TP.HCM chỉ đạo, phân công nhiệm vụ để triển khai thực hiện. Để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường được phân công làm tổ trưởng tổ công tác giải quyết các dự án tồn đọng, dừng thi công để thúc đẩy tiến độ, tránh lãng phí.
Nguồn thu từ đất tại TP.HCM và Hà Nội quá chênh lệch
Tính đến cuối tháng 10.2024, TP.HCM thu hơn 17.000 tỉ đồng từ đất đai, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. UBND TP.HCM đánh giá, việc quản lý và sử dụng đất đai trong năm vừa qua còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực nhưng cần thời gian để vận dụng vào thực tiễn. Ngoài ra, các thủ tục triển khai liên quan đến đất đai còn chậm, quy hoạch chung, quy hoạch đô thị điều chỉnh chưa được phê duyệt kịp thời, ảnh hưởng đến một số công tác. Dự kiến, nguồn thu ngân sách từ đất đai trong giai đoạn 2024 - 2025 của TP.HCM sẽ là 32.798 tỉ đồng, trong đó khoản thu trong năm 2024 là 22.000 tỉ đồng.
Trong khi đó tại Hà Nội, khoản thu từ nhà, đất đạt trên 48.590 tỉ đồng. Con số này vượt dự toán 14% và tăng trưởng hơn 29% so với năm ngoái. Riêng khoản thu từ tiền sử dụng đất đóng góp gần 75%, với 36.100 tỉ đồng, tăng 40,5% so với năm ngoái. Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án bị vướng pháp lý. Đến nay, Hà Nội đã rà soát, lập danh mục 829 dự án chậm triển khai để thanh tra, đôn đốc thực hiện. Trong đó, 420 dự án được đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai, với diện tích trên 9.000 ha. Khoảng 292 dự án được đẩy nhanh tiến độ.