TƯ LIỆU SỐNG VỀ CÔNG CUỘC KHẨN HOANG
Từ sự thấu hiểu sâu sắc về vùng đất Nam bộ, nhà văn Sơn Nam đưa độc giả và các nhân vật của mình cùng ngược dòng thời gian về với thời kỳ khẩn hoang miền Nam, lập ấp. "Những nhóm theo dấu chân nhau vào rừng tràm trên chiếc xuồng không bến đợi như cô Lệ theo anh chồng Tư Cồ đến cánh đồng hoang vu lai láng như biển cả trồng lúa Xom Mà Ca (Ruộng Lò Bom); lớp người "tay rìu" như Tư Bình Thủy bị mộ nhân công từ Cần Thơ, Hà Tiên xuống rừng cúp ở Rạch Giá để khai thác gỗ, khai hoang đúng thời hạn cam kết với nhà nước (Nhứt phá sơn lâm)… đó là những nhóm người tiên phong khẩn đất. Trên mảnh đất mới, người ta cất lán trại, cất chòi, xây nhà gần nhau để hỗ trợ được nhau trong công việc".
Rồi dưới sự đốc thúc của quan triều đình, miền Nam tiến hành huy động nhân công đào kênh Ruột Ngựa ở Sài Gòn, kênh Thoại Hà từ hữu ngạn sông Hậu đến vịnh Xiêm La (năm 1817), kênh Vĩnh Tế ở Châu Đốc (từ năm 1819 - 1824), hình thành hệ thống kênh giúp đưa nước sông vào mùa lũ mau thoát ra biển, phát triển hệ thống giao thông. Những ông thầy rắn với tài nghệ điêu luyện ở xứ khỉ ho cò gáy, rắn rết muỗi mòng phản ánh chi tiết công cuộc khẩn hoang "Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um", "Xuống sông hốt trứng sấu, lên bờ xỉa răng cọp", tính mạng con người như "ngàn cân treo sợi tóc": "Hình ảnh con rắn hổ bên gốc cây thị trong truyện Bà Chúa Hòn quấn mình chung quanh bụng bé Huôi. Rắn là nỗi khiếp sợ của bao người khi tới rừng U Minh. Rắn cắn chết Lục Cụ, Hai Tam (Vạch một chân trời) dưới sự sắp đặt của lão thầy rắn nhưng rồi cũng chính lão thầy rắn, hay thầy Hai Rắn, ông Năm Điền (Cây huê xà) lại phải trả giá bằng cái chết của mình hoặc của người thân", sách đã dẫn viết.
Được biết, năm 1991 nhà văn Sơn Nam còn đi theo đoàn làm phim Người tình của đạo diễn Jean-Jacques Annaud, ông lại có dịp quan sát từng chi tiết, từng góc độ điện ảnh để có thêm nhiều câu chuyện về không gian miền Nam và tính cách bộc trực đặc trưng của người miệt vườn Nam bộ.
"CÓ SAO NÓI VẬY, NGƯỜI ƠI"
"Sống chất phác, bộc trực thấm vào máu của con người Nam bộ được tác giả "ví như những dòng sông miền Nam êm đềm và thẳng thuộc, cứ từ mương rạch ra sông rồi về biển", theo kiểu "có sao nói vậy người ơi". Các nhân vật "đậm đặc" tính cách Nam bộ luôn xuất hiện nhiều trong truyện của nhà văn Sơn Nam như Anh Thiện trong Ngôi nhà mặt tiền: "Lúc nghèo, Thiện vẫn không có ý định ăn bám người cha giàu có, chỉ thật tình xin chiếc máy may cho vợ mở tiệm. Khi giàu, Thiện vẫn xà lỏn ở trần tiếp khách, tự biến một góc nhà sang trọng ở mặt tiền đường thành 216 miếng đất khai phá của chàng nông dân. Mấy ông bạn già (Âm dương cách trở) trong thời kỳ mở cửa hỗn tạp vẫn giữ khí chất, hồn hậu, uống cà phê lề đường, nói chuyện thời sự và tương lai, rủ nhau về quê tìm sự thanh sạch, tìm về kỷ niệm để thấy sự bình an giữa cuộc đời, để tiếp thêm niềm tin của lớp bình dân trong những xóm nghèo thành thị", tác giả Đinh Thanh Thủy viết.
Cũng vì sống bộc trực, nên người Nam bộ hay nóng tính. Người Nam bộ hay nổi giận tức thì và cũng dễ nguôi ngoai. Nhân vật thầy Quít trong Đóng gông ông thầy Quít lúc bỏ trốn, cả làng tức khí họp ở nhà ông hương ấp xử ngay vụ án mà chánh phạm là thầy Quít vắng mặt, đồng lõa là thằng Liệu đồ đệ chân truyền. Họ đòi đóng gông, họ đòi trừng trị, nhưng rồi cơn oán giận đối với thầy Quít dần dần dịu xuống, tha thứ. Tuy nhiên, cái hay của những người nóng tính cũng là những người không để bụng. Họ tuôn trút giận dữ ra ngay, họ bày tỏ phẫn nộ tức thì, và cơn tức giận cũng xẹp xuống nhanh, vì bản chất họ là chân chất, vô tư. Vì vậy mà nhiều truyện của Sơn Nam thể hiện rất rõ tính cách Nam bộ độc đáo này.