Đó là chia sẻ của Bà Đinh Thị Tâm Hiền, Ủy viên Ban Chấp hành Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), nguyên tham tán Kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc với Diễn đàn Doanh nghiệp..
Bà đánh giá như thế nào về vai trò của dòng vốn FDI Hàn Quốc đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam thời gian qua?
Thứ nhất, dòng vốn FDI Hàn Quốc đã góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Đầu tư của Hàn Quốc tập trung ở các lĩnh vực Việt Nam đang định hướng thu hút đầu tư để chuyển dịch cơ cấu. Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 73% tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 12,6%, các lĩnh vực xây dựng, năng lượng, dịch vụ lưu trú ăn uống, đầu tư chiếm khoảng 3% tổng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam. FDI Hàn Quốc đã góp phần chuyển đổi tích cực trong các ngành kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, thúc đẩy xuất khẩu, và hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Thứ hai, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam còn có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam nhằm chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu từ nguyên liệu thô, sang hàng hóa chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao.
Thứ ba, đầu tư của Hàn Quốc còn có đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước của Việt Nam. Theo Bộ Tài chính, trong 5 năm vừa qua mặc dù chịu ảnh hưởng bởi những khó khăn của dịch Covid-19 và những bất lợi của nền kinh tế thế giới, nhưng đóng góp vào số thu ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc luôn tăng qua các năm và tổng thu nội địa từ các doanh nghiệp Hàn Quốc đạt gần 175.000 tỷ đồng, tương đương 7 tỷ USD.
Thứ tư, tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Thông tin về tình hình lao động việc làm trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, số lượng lao động làm việc trong khu vực FDI ngày càng tăng theo các năm và lao động trong các ngành ứng dụng công nghệ cao cũng gia tăng nhanh chóng.
Đội ngũ công nhân lao động tại các doanh nghiệp Hàn Quốc được bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, tiếp cận công nghệ tiên tiến, rèn luyện ý thức tổ chức, tác phong công nghiệp.
Thứ năm, FDI Hàn Quốc góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ tại Việt Nam. Với sự góp mặt của các tập đoàn lớn, sở hữu công nghệ hàng đầu, đầu tư vào những dự án công nghệ cao tại Viêt Nam như Sam Sung, LG, SK, Hanwha… đầu tư của Hàn Quốc đã góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.
Vì sao các nhà đầu tư Hàn Quốc lại lựa chọn Việt Nam làm điểm đến, thưa bà?
Việc các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG Electronics, Hyundai, CJ, Lotte, SK, SHINHAN, Namyang, Hanwha… lựa chọn Việt Nam để đầu tư đã cho thấy các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao môi trường và cơ hội đầu tư của Việt Nam và tin tưởng vào nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.
Đơn cử, Tập đoàn Samsung đã đầu tư 18 tỷ USD vào Việt Nam và đang có kế hoạch nâng lên 20 tỷ USD trong thời gian tới. Điều này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Tập đoàn Samsung, đó là coi Việt Nam như một “cứ điểm” sản xuất chiến lược, nghiên cứu - phát triển và sản xuất các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế.
Và, Samsung quyết tâm duy trì vị trí nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam trong vòng 20 đến 30 năm tới. Việc đưa vào vận hành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung tại Hà Nội và việc hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) thể hiện cam kết mạnh mẽ của Samsung trong việc đồng hành, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.
Như vậy, Việt Nam đã tạo được niềm tin và động lực mạnh mẽ cho các “Chaebol” và cả các DNNVV Hàn Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ kiện cung cấp cho các tập đoàn này làm điểm đến đầu tư.
Bà đánh giá như thế nào về triển vọng thu hút dòng vốn FDI Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian tới?
Hiện nay, tổng vốn FDI cộng dồn của Hàn Quốc vẫn đứng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, nhưng thời gian gần đây đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam có dấu hiệu suy giảm. Trước tình hình đó, Chính phủ hai nước đã có những cam kết mạnh mẽ nhằm tăng cường và phát triển thực chất, hiệu quả hơn nữa quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" giữa hai nước.
Nhân chuyến đi thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Yoon Suk Yeol tới Việt Nam từ ngày 22 đến 24/6/2023, Chính phủ hai bên đã nhất trí ký kết và thực hiện Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc (Chương trình Hành động). Nội dung hợp tác trong thương mại, đầu tư và lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao được xem là trọng tâm của hợp tác kinh tế.
Theo đó, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam tạo cơ hội “win - win” cho cả hai phía, không chỉ mang lại ý nghĩa quan trọng cho kinh tế Việt Nam, mà còn đem lại thị trường rộng lớn và cơ hội thu lợi nhuận cho doanh nghiệp Hàn Quốc.
Kỳ vọng vào quan hệ tương hỗ trong hợp tác đầu tư và thương mại, kết hợp với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ hai nước thông qua quan hệ đặc biệt "Đối tác chiến lược toàn diện" giữa hai nước, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục tin tưởng và gắn bó với Việt Nam trong quá trình phát triển.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong định hướng tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đặc biệt, Tổng thống Hàn Quốc cũng thể hiện thiện chí của phía Hàn Quốc mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực văn hoá, lưu thông, thương mại, đầu tư đều sẽ được mở rộng mạnh mẽ trong tương lai.
Việt Nam sẽ là đối tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin (ICT) và Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ… Đây là những tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục đón làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Trân trọng cảm ơn bà!