Ông Ted Osius, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN cho biết về việc ngày 8/5 (giờ Mỹ), Bộ Thương mại Mỹ tổ chức phiên điều trần liên quan việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Mỹ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam

Việc công nhận quy chế thị trường sẽ giúp Việt Nam mở rộng thương mại và đầu tư với Mỹ.

Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ đã lắng nghe lập luận của các bên về việc công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam trong cuộc điều trần trực tuyến tổ chức tại Washington (Mỹ). Đây là một phần trong quá trình đánh giá vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam. Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ đưa ra quyết định về vấn đề trên vào tháng 7/2024.

Nhận định về vấn đề này, ông Ted Osius, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN cho biết, Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường. Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng như chính sách ngoại hối và sẵn sàng cho việc nâng hạng lên nền kinh tế thị trường.

Bình luận về thông tin trên, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đánh giá, động thái mới nhất từ phía Mỹ đã truyền đi niềm tin, nguồn cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Mỹ thúc đẩy các hoạt động thương mại.

Nếu Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, Việt Nam thu hút được nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp gỗ và sản phẩm của Việt Nam, đây là mặt hàng Mỹ có nhu cầu tiêu thụ rất lớn.

Còn đối với doanh nghiệp gỗ và lâm sản Việt Nam sẽ giảm thiểu được các rủi ro trong vụ kiện chống bán phá giá. “Từ trước đến nay, xuất khẩu gỗ của Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản, rủi ro lớn là phía Mỹ khởi xướng điều tra áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp”, ông Ngô Sỹ Hoài nói.

Theo ông James Borton, Nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Chính sách Đối ngoại Johns Hopkins, việc công nhận quy chế thị trường sẽ giúp Việt Nam mở rộng thương mại và đầu tư với Mỹ.

Đối với Mỹ, các doanh nghiệp nước này sẽ có thêm cơ hội tiếp cận thị trường và xuất khẩu, góp phần mở rộng chuỗi cung ứng phù hợp với lợi ích của Mỹ. Ngoài ra, giá nhập khẩu thấp hơn và khả năng tiếp cận thị trường được cải thiện có thể cho phép các công ty Mỹ tăng sản lượng và sản xuất tại Việt Nam.

“Bây giờ là lúc Bộ Thương mại Mỹ công nhận Việt Nam đã đạt được quy chế kinh tế thị trường. Quyết định này không chỉ thể hiện sự thiện chí giữa hai đối tác mà còn để Mỹ và Việt Nam có thể cùng nhau giải quyết tốt hơn các mối đe dọa về môi trường, kinh tế và an ninh mà cả hai quốc gia đều đang phải đối mặt”, ông James Borton bày tỏ.

Vẫn theo ông James Borton, việc công nhận quy chế thị trường của Việt Nam cũng sẽ góp phần giảm bớt các rào cản thương mại, giúp các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Việt Nam dễ dàng hơn và chi phí thấp hơn.

Với giá nhập khẩu thấp hơn, khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn có thể cho phép các công ty Mỹ tăng sản lượng và sản xuất tại Việt Nam. Điều này mang lại tiềm năng tăng doanh thu bán hàng và lợi nhuận cho các công ty Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam.

“Viễn thông, công nghệ thông tin, sản xuất điện, xây dựng hạ tầng giao thông, quản lý dự án môi trường và công nghệ sẽ tiếp tục mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn cho các công ty Mỹ”, ông James Borton nhấn mạnh.