Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bản Quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, trên cơ sở phát huy hiệu quả các giá trị truyền thống kết hợp khai thác các cơ hội mới, bắt kịp xu thế của thế giới. Theo đó, nội dung của Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng được thể hiện đầy đủ trong 6 chữ: Truyền thống - Liên kết - Bứt phá.
Liên kết vùng dẫn dắt phát triển
Là khu vực chứa đựng “quá nhiều” giá trị truyền thống về mọi mặt, phát triển vùng vừa khai thác hiệu quả các thế mạnh về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên và các giá trị văn hoá, lịch sử… vừa gắn với cơ cấu lại kinh tế dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của vùng.
Tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương chính là liên kết vùng. Theo Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng, nội dung này được cụ thể hoá bằng việc phát triển hạ tầng kết nối vùng, bao gồm cả kết nối song phương giữa các tỉnh, thành phố, ưu tiên gắn với các hành lang quan trọng của vùng. Trong đó, ưu tiên chuẩn bị và triển khai xây dựng mới các tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Lạng Sơn - Hà Nội.
Cùng với đó, xử lý các vấn đề môi trường, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đất và bảo đảm an ninh nguồn nước liên tỉnh; phối hợp và liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực; chia sẻ, liên kết trong phát triển khoa học và công nghệ hướng vào giải quyết những vấn đề công nghệ đặt ra trong phát triển vùng…
Để thực hiện được liên kết vùng hiệu quả, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng và liên kết vùng đủ mạnh đóng vai trò quan trọng nhằm bảo đảm hiệu quả điều phối trong việc sử dụng nguồn lực nhà nước. Đồng thời, kiến tạo hệ sinh thái tốt để các doanh nghiệp, nhà đầu tư - những chủ thể chính đẩy mạnh và thực hiện liên kết trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
5 đột phá phát triển
Trong bối cảnh hiện nay, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần có sự bứt phá trong việc tạo dựng hệ sinh thái phát triển tốt. Nói cách khác chính là thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá phát triển hướng đến việc chủ động kiến tạo phát triển. Theo đó, Quy hoạch xác định 5 trọng tâm và đột phá phát triển.
Thứ nhất, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế, nhất là khai thác hiệu quả mạng lưới giao thông kết nối Thủ đô Hà Nội và các cảng biển với các địa phương của vùng và liên vùng…
Thứ hai, tập trung xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp; hình thành các cụm liên kết ngành về đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế ven biển, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu thương mại tự do với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có sức cạnh tranh quốc tế và khu vực.
Thứ ba, tập trung bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa của nền văn minh sông Hồng, đặc biệt hình thành trục văn hóa sông Hồng trong tổng thể không gian văn hóa của vùng Bắc Bộ; phát triển các dịch vụ văn hóa gắn với phát triển du lịch; phát triển mạnh công nghiệp văn hóa.
Thứ tư, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tăng cường liên kết và hình thành các chuỗi đô thị, trong đó, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh gắn với phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ; chuỗi đô thị tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình gắn với phát triển kinh tế biển, liên kết chặt chẽ thông qua vành đai kinh tế ven biển.
Cuối cùng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng và liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối một số lĩnh vực như: phát triển hạ tầng, các cụm liên kết ngành, xử lý các vấn đề môi trường, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và đảm bảo an ninh nguồn nước.