Hai tập đoàn này đang xem xét điều chuyển các cơ sở sản xuất linh kiện hàng không đến Việt Nam.
Ông Lê Anh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư BĐS Công nghiệp và Cho thuê A+, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu đầu tư Quốc tế (ISC) chia sẻ với DĐDN về “làn sóng” đầu tư thứ tư tại Việt Nam.
- Ông đánh giá như thế nào về “sức hút”của Việt Nam đối với dòng vốn FDI trong thời gian vừa qua?
Lịch sử thu hút FDI của Việt Nam đã ghi nhận 3 “làn sóng”. Làn sóng thứ nhất, từ những năm 1991 với điểm nhấn Tập đoàn Honda Nhật Bản chọn Vĩnh Phúc làm “cứ điểm” sản xuất cho đến những năm 2006. Trong thời gian này, chúng ta đã thực hiện “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư với mỗi một địa phương có một chính sách thu hút đầu tư riêng biệt.
Làn sóng thứ hai, bắt đầu từ 2007 với sự thay đổi hợp nhất Luật Đầu tư trong nước và Luật Đầu tư nước ngoài thành Luật Đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư với nhiều chính sách thông thoáng. Cải cách đã thúc đẩy các luồng đầu tư mới, đặc biệt là Samsung đầu tư năm 2008 đã lập đỉnh về vốn đăng ký lên tới 64,1 tỷ USD và sụt giảm mạnh trong những năm kế tiếp do khủng hoảng tài chính toàn cầu cho đến hết 2014.
Làn sóng thứ ba, từ 2015 vốn FDI tăng dần trở lại với trung bình 20-25 tỷ USD/năm, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) bình quân đạt 11-13%/năm và 2019 với điểm nhấn bắt đầu từ Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã định hướng thu hút đầu tư FDI thế hệ mới có sự lựa chọn và đưa ra các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, định hướng chiến lược thu hút đầu tư và đặt trọng tâm phát triển theo xu hướng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và sản xuất hàng hóa dịch vụ có hàm lượng tri thức đã tạo ra các vận hội mới.
Đặc biệt, khi kinh tế thế giới xoay chuyển và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất phân tán thay vì tập trung ở một quốc gia do bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Và hiện nay đang dần hình thành “làn sóng” đầu tư thứ tư tại Việt Nam.
- Ông có thể phân tích cụ thể hơn về “làn sóng” mới này?
Làn sóng thứ tư đang hình thành dựa trên những điểm nhấn quan trọng, đó là Việt Nam trở thành đối tác chiến lược toàn diện của Hoa Kỳ và sự viếng thăm làm việc của tập đoàn vốn hóa 2.000 tỷ USD NVIDIA (hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới) đã và đang cam kết chắc chắn chọn Việt Nam làm cứ điểm mới trong việc sản xuất chip, bán dẫn và hỗ trợ đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này.
Cùng với xu hướng phát triển đột phá của AI, IoT, Reality, Vũ trụ Ảo và kế hoạch tham vọng của OpenAI công bố kế hoạch 7.000 tỷ USD cho việc phát triển chip đồ họa, bán dẫn, tái cấu trúc ngành sản xuất bán dẫn, chip đã kích hoạt hàng loạt các làn sóng đầu tư trên khắp thế giới và Việt Nam cũng là yếu tố được xét tới khi các “đại bàng” công nghệ liên tục đến thăm trong những tháng đầu năm 2024.
Thêm vào đó, các tập đoàn sản xuất công nghệ hàng không, vũ trụ nổi tiếng như Boeing, Airbus cũng đang rất quan tâm đến Việt Nam và đang tiếp tục xem xét việc điều chuyển các cơ sở sản xuất linh kiện cho hàng không tại Việt Nam. Như vậy, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trở thành cứ điểm sản xuất bán thành phẩm và hoàn thiện sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu đó.
>> Dòng vốn FDI đang hướng vào hàm lượng công nghệ cao
- Vì sao tại thời điểm này Việt Nam lại được kỳ vọng trở thành “cứ điểm” sản xuất chuỗi cung ứng toàn cầu, thưa ông?
Gần đây, ngành sản xuất ô tô của Việt Nam đã có đột phá lớn, “đầu tàu” là VINFAST tiên phong trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi sản xuất từ OEM (Nhà sản xuất thiết bị gốc) sang làm chủ công nghệ, chủ động trong sản xuất và không ngừng định vị toàn cầu bằng các bước tiến nhanh, “phủ sóng” ở các thị trường đông dân trên thế giới.
Về lĩnh vực hàng không, các tập đoàn sản xuất lớn như Boeing và Airbus luôn đánh giá Việt Nam là điểm đến thay thế cho các quốc gia sản xuất khác vì thị trường sản xuất, công nghệ thích ứng nhanh, đáp ứng được các nhu cầu cung ứng linh kiện hàng không trong khu vực và hiện đang có chiến lược hoàn thiện hệ thống cung ứng tại Việt Nam chuẩn bị cho tương lai sắp tới.
Khẳng định sản xuất thông minh đã trở thành lực lượng chủ chốt thúc đẩy nâng cấp công nghiệp và tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Việt Nam tỏ rõ quyết tâm mạnh mẽ trong việc chuyển đổi đất nước dựa vào công nghệ. Việt Nam đang có cơ hội để giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu, cơ hội đón dòng sản xuất thông minh của Việt Nam.
- Theo ông, để tận dụng được “làn sóng” thứ 4, Việt Nam cần làm gì trong thời điểm này?
Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, như giảm thiểu các thủ tục hành chính, giảm thiểu số lượng giấy phép con tạo hành lang thông thoáng cho triển khai đầu tư. Nới rộng mức ưu đãi đầu tư cho các địa bàn ưu đãi đầu tư, thời gian đầu tư như trước những năm trước 2009. Tiếp tục hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp hạ tầng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, sẵn sàng cho các nhà đầu tư thứ cấp. Có chính sách hỗ trợ tài chính, nguồn vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp thuộc các hiệp hội sản xuất chuyên biệt.
Đối với các doanh nghiệp lĩnh vực hỗ trợ, cần tham gia các quá trình tuyển dụng nhà cung cấp linh kiện, phụ kiện, chi tiết... mà nhà đầu tư cần tìm kiếm tại Việt Nam. Đồng thời thành lập, liên kết thành các Hiệp hội sản xuất chuyên biệt, học hỏi từ các bài học của Trung Quốc trong 30 năm qua. Áp dụng các công nghệ sản xuất mới nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các nhà đầu tư sản xuất đầu chuỗi. Bên cạnh đó cần liên tục nghiên cứu, cải tiến quá trình sản xuất nhằm giảm chi phí, thời gian sản xuất sản phẩm. Xây dựng đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu cho chính sản phẩm của mình. Liên kết và hợp tác cùng các đối tác phụ trợ nước ngoài thuộc chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư sản xuất lớn đầu chuỗi, tăng cường chất lượng dịch vụ.
- Trân trọng cảm ơn ông!