Đầu tiên là vấn đề số cơ sở hành nghề y, dược ngày càng tăng cao. Hiện TP.HCM đã có hơn 20.000 cơ sở hành nghề y, dược (hơn 9.000 cơ sở y và gần 11.000 cơ sở dược). Trong đó có hơn 99% là cơ sở tư nhân.
Vấn đề "lấn sân" của một số cơ sở làm đẹp (do UBND quận, huyện hoặc Sở KH-ĐT tư cấp giấy chứng nhận kinh doanh) sang lĩnh vực y tế (do Sở Y tế cấp phép).
Vấn đề người hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép được ghi trong chứng chỉ hành nghề (nay là giấy phép hành nghề).
Vấn đề cơ sở hành nghề cung ứng kỹ thuật các dịch vụ vượt quá danh mục kỹ thuật được cấp phép, không đăng ký người hành nghề. Vấn đề quảng cáo trái phép, sai sự thật. Vấn đề cơ sở vi phạm, bị xử phạt hành chính thay đổi liên tục tên cơ sở, địa chỉ cơ sở. Vấn đề sự cố y khoa từ các cơ sở thẩm mỹ.
Từ thực trạng trên, Sở Y tế TP.HCM đã chuyển đổi dữ liệu giấy sang dữ liệu số, hình thành "cổng tra cứu thông tin hành nghề".
Cổng tra cứu thông tin hành nghề y, dược của Sở Y tế TP.HCM được đánh giá là một giải pháp hữu hiệu không chỉ giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin tìm nơi khám, chữa bệnh phù hợp (chuyên khoa, loại hình cơ sở, chất lượng cơ sở…). Giúp cán bộ, công chức Sở Y tế chủ động tra cứu thông tin có liên quan thuộc các phòng chức năng khác nhau thay vì "phiếu chuyển" để xin thông tin lẫn nhau, gây mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
Sở Y tế TP.HCM kỳ vọng việc chuyển đổi số sẽ giúp Sở chuyển từ thế bị động sang chủ động trong công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hành nghề y, dược. Giúp Sở đổi mới phương thức làm việc của các phòng chức năng theo hướng chủ động, tích cực, ra quyết định nhanh, chính xác trong xử lý các sai phạm trong hành nghề.
Ngoài ra, chuyển đổi số còn giúp Sở Y tế TP.HCM công khai, minh bạch, tăng cường truyền thông đến người dân giúp người dân có đủ thông tin để chọn lựa cơ sở khám chữa bệnh tốt nhất.
6 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra 310 cơ sở, trong đó kiểm tra đột xuất 182 cơ sở (57%). Thanh tra cũng đã ban hành 246 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt hơn 10,7 tỉ đồng.
Trong kiểm tra đột xuất, hành vi bị phạt cao nhất là quảng cáo trái phép, chiếm tỷ lệ 41% (75 cơ sở). Trong đó còn có các nội dung quảng cáo sai sự thật về phẫu thuật thẩm mỹ; thẩm mỹ ít xâm lấn… Tiếp đến là vi phạm khám chữa bệnh không phép với 45 cơ sở (25%). Thanh tra cũng đã đình chỉ có thời hạn 44 cơ sở; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám chữa bệnh 27 cơ sở; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 44 cá nhân. Sở Y tế TP.HCM theo dõi, lập danh mục các địa chỉ "đen", các công ty có hành vi vi phạm lặp lại, coi thường pháp luật nhằm đấu tranh, bảo vệ sức khỏe người dân.