Nhà giáo được nhiều học bổng, giải thưởng
Cô Phương Thảo (quê Hải Phòng) sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống sư phạm nên nuôi đam mê với nghề giáo từ khi còn nhỏ. Sau khi tốt nghiệp THPT, cô đến Hà Nội theo đuổi ngành giảng dạy tiếng Anh tại Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) và trở thành một trong 5 sinh viên xuất sắc nhất khóa. Thành tích này khiến trường lập tức mời cô ở lại làm giảng viên, vào năm 2007, và là "giải thưởng" đáng nhớ đầu tiên của cô.
"Việc được tin tưởng, trao cơ hội để phát triển thành nhà lãnh đạo giáo dục mới trong khoa khi vừa tốt nghiệp đã mang lại thay đổi lớn trong tôi. Điều đó đã cho tôi thấy sức mạnh của việc đặt niềm tin vào tiềm năng của một người", cô Phương Thảo chia sẻ.
Không lâu sau đó, nữ giảng viên trẻ trở thành một trong 20 người Việt được chính phủ Úc trao Học bổng năng lực lãnh đạo Úc (ALA). Khi đó, cô mới 24 tuổi và chọn học bằng thạc sĩ giáo dục tại ĐH Melbourne. Đến năm 2011, cô giáo Việt tiếp tục tốt nghiệp loại xuất sắc với thành tích đứng thứ 2 toàn khóa, sau đó trở về Việt Nam đảm nhận tiếp vị trí giảng viên tại Trường ĐH Ngoại ngữ.
Thời gian này, nữ thạc sĩ bắt đầu tham gia nghiên cứu và tham dự nhiều hội thảo. Từ đó cô bắt đầu quan tâm đến những phương pháp giúp các đồng nghiệp giảng viên ĐH có thể phát triển tốt nhất trên hành trình học thuật. Nhận hai học bổng danh giá của ĐH Melbourne, cô Thảo lại lên đường sang Úc, lần này là theo đuổi chương trình tiến sĩ giáo dục ở Trung tâm nghiên cứu giáo dục ĐH (CSHE) ở trường vào năm 2012.
Chính thức bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 2020 nhưng trước đó, cô Thảo đã có cơ duyên giảng dạy và nghiên cứu tại nhiều trường Úc là CĐ Monash, ĐH Deakin và cuối cùng là ĐH Monash vào năm 2016 cho tới nay. Đến năm 2018, cô bắt đầu làm việc ở khoa Dược và khoa học dược phẩm trong vai trò nhà thiết kế giáo dục. Tới năm 2021, nữ tiến sĩ được bổ nhiệm làm nhà thiết kế giáo dục cấp cao.
"Vị trí này cho phép tôi dẫn dắt các sáng kiến giáo dục chiến lược và cùng hợp tác với các đồng nghiệp để nâng cao chất lượng học tập, giảng dạy. Hiện tại, tôi còn là thành viên Ban điều hành giáo dục của khoa đồng thời giữ vai trò chủ tịch Tiểu ban đánh giá của khoa. Tôi cũng đóng góp tích cực vào sáng kiến Vòng tròn học tập về trí tuệ nhân tạo trong giáo dục của trường", cô Thảo chia sẻ.
Cũng trong quá trình làm việc tại Monash, tiến sĩ Thảo đã góp phần xây dựng chương trình thạc sĩ dược học tích hợp theo chiều dọc, một chương trình giáo dục giành nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế. Đồng thời, cô từng được trường trao 6 giải thưởng lớn, như giải thưởng xuất sắc của phó hiệu trưởng cho các chương trình nâng cao học tập, giải thưởng của phó hiệu trưởng về giảng dạy xuất sắc trong lĩnh vực ưu tiên...
"Sứ mệnh của tôi là tạo cơ hội để các giảng viên phát triển, giúp họ mang lại những giá trị để sinh viên trưởng thành, tiến bộ. Khi chứng kiến giảng viên điều chỉnh phương pháp dạy học và tinh thần tích cực họ mang đến cho sinh viên, tôi lại nhớ về những người thầy, người cô đã đặt niềm tin vào mình như năm xưa", cô Thảo bộc bạch.
Theo bảng xếp hạng ĐH thế giới năm 2025 của tổ chức QS (Anh), ĐH Monash xếp thứ 37 thế giới và hạng 5 tại Úc. Trường cũng nằm trong liên minh 8 ĐH nghiên cứu hàng đầu Úc (Go8). Ngoài ra, theo bảng xếp hạng ĐH thế giới theo nhóm ngành năm 2024 của QS, khoa Dược và khoa học dược phẩm nơi tiến sĩ Thảo làm việc đứng thứ 2 thế giới về nhóm ngành dược học và dược lý học.
Lời khuyên cho thế hệ trẻ
Từng đạt nhiều học bổng và giải thưởng, song theo cô Thảo, không có một công thức chung dẫn lối đến thành công. "Lời khuyên của tôi cho các bạn trẻ trên hành trình chinh phục ước mơ là hãy bắt đầu bằng việc hiểu rõ bản thân, xem điểm mạnh lẫn điểm yếu như những cơ hội để phát triển. Những người thầy, người cố vấn tuyệt vời có thể tạo nên sự khác biệt lớn, giúp bạn khám phá, phát huy những phẩm chất mà có thể bạn chưa từng nhận ra", cô nói.
Đồng thời, cô Thảo còn khuyên sinh viên tự phản tư từng thất bại và thành công không chỉ của riêng mình, mà còn của người khác. Hãy học cách yêu thích quá trình học tập, học hỏi từ người xung quanh bằng cách làm việc chung, quan sát và sẵn sàng tiếp thu phản hồi. Hãy tiếp cận mọi sự việc với đam mê học hỏi, mong muốn tạo ra tác động tích cực và cống hiến hết mình cho mọi việc, dù lớn hay nhỏ, theo nữ tiến sĩ.
Chuyên gia về thiết kế giáo dục cũng nhấn mạnh, điều quan trọng đối với thế hệ trẻ là được tạo không gian để khám phá bản thân dưới sự hỗ trợ từ những người có thể định hướng mà không áp đặt vào con đường đã định sẵn. "Cách tôi đối diện với thách thức luôn xoay quanh là chấp nhận sự không chắc chắn, nắm bắt cơ hội, đồng thời học hỏi từ những thất bại cũng như sai lầm", cô Thảo chia sẻ.
"Tôi xin chúc tất cả những nhà giáo đang cống hiến trong ngành tiếp tục tỏa sáng theo cách riêng của mình. Mong thầy cô sẽ luôn tìm thấy niềm vui và sự phát triển trong cả cuộc sống cá nhân lẫn sự nghiệp. Hãy luôn nhớ rằng, tác động của thầy cô không chỉ dừng lại ở những tiết học trước mắt, mà còn lan tỏa qua nhiều thế hệ mai sau", cô Thảo nhắn gửi đồng nghiệp nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
"Quê hương Việt Nam luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Tôi hy vọng sẽ tìm thấy thêm nhiều cách để đóng góp cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục", tiến sĩ Vũ Thị Phương Thảo trải lòng.
Giúp phụ nữ phát huy tối đa tiềm năng học thuật
Một dấu ấn giáo dục khác của cô Thảo là tham gia Her Research Matters với mục tiêu giải quyết bất bình đẳng giới trong nghiên cứu, học thuật. Chương trình được thành lập từ 2019 và hiện cung cấp những nguồn lực, cố vấn cùng tài trợ cần thiết cho nhà giáo và nhà nghiên cứu nữ, giúp họ vượt qua rào cản và đạt được đóng góp đáng kể trong lĩnh vực chuyên môn đồng thời thúc đẩy văn hóa đổi mới, hòa nhập và thay đổi hệ thống giáo dục.
"Tôi từng trải qua những thay đổi to lớn nhờ sự tận tâm từ các thầy cô trong đội ngũ cố vấn và điều đó truyền cảm hứng để tôi tạo ra cơ hội tương tự cho người khác", cô Thảo nói.