Trước xu hướng tiêu dùng xanh, nhiều thương hiệu lớn đã bắt đầu chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững.
Trong bối cảnh hiện nay, theo bà Lê Minh Trang, người tiêu dùng Việt Nam quan tâm hơn đến phát triển bền vững trong tương lai. Sự phát triển tiêu dùng xanh gắn liền với xu hướng toàn cầu khi các quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh các giải pháp phát triển bền vững để đối phó với biến đổi khí hậu. Các chính sách thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải nhựa và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo đã tạo nền tảng cho người tiêu dùng dần thay đổi thói quen mua sắm của mình.
Nghiên cứu Consumer Outlook and Expectation 2024 tại Việt Nam từ NIQ cho thấy, 16% người tiêu dùng đã coi tương lai bền vững là một trong những yếu tố quan trọng trong lối sống và các quyết định tiêu dùng của họ trong các ưu tiên dài hạn.
Trong ngắn hạn, 24% người tiêu dùng chú trọng đến lối sống bền vững. Trong đó, 82% người tiêu dùng tập trung cải thiện sức khỏe thể chất và hạnh phúc, cho thấy người tiêu dùng quan tâm lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ có lợi cho sức khỏe và môi trường.
Đặc biệt, lo ngại về biến đổi khí hậu và tác động của môi trường đã tăng lên đáng kể, nằm trong top 5 mối quan tâm hàng đầu. Người tiêu dùng đang bắt đầu chuyển dịch từ quan tâm cá nhân sang những vấn đề mang tính cộng đồng, trong đó tương lai bền vững đóng vai trò chủ chốt. Sự thay đổi này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và thương hiệu nắm bắt nhu cầu ngày càng cao về các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.
Ngược lại, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đang dần nhận thức được rằng để giữ chân người tiêu dùng, không chỉ cần cung cấp sản phẩm chất lượng mà còn phải chứng minh được sự cam kết trong việc bảo vệ môi trường. Nhiều thương hiệu lớn đã bắt đầu chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững, từ việc sử dụng bao bì tái chế đến cam kết giảm thiểu khí thải carbon và bảo vệ nguồn nước.
Bà Lê Minh Trang nhận định, các ngành chịu tác động lớn nhất từ xu hướng tiêu dùng xanh và quan tâm đến lối sống bền vững là thực phẩm và đồ uống, chăm sóc cá nhân, sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG), điện tử tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên sản phẩm hữu cơ, bao bì thân thiện với môi trường và thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Là một trong những doanh nghiệp dệt may sớm thực hiện chuyển đổi xanh, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc công ty May 10 cho rằng, cùng với chuyển đổi số là chuyển đổi xanh. Khi doanh nghiệp đạt xanh cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn tiêu dùng xanh - con người xanh, bắt đầu bằng thay đổi tư duy. Đây là việc khó nhưng cần thiết phải thực hiện để thay đổi tư duy - thay đổi từ gốc để hình thành tư duy tiêu dùng xanh.
Với lãnh đạo công ty May 10, khi tư duy tiêu dùng xanh đã được xây dựng cũng có tác động ngược lại, thúc đẩy mạnh mẽ hơn các ngành sản xuất xanh. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay để sản phẩm xanh có thể tiếp cận và được người tiêu dùng chấp nhận chính là giá thành đang cao hơn so với các sản phẩm thông thường.
Do đó, nhiều chuyên gia đã kiến nghị bước đầu Chính phủ cần hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm xanh, có cơ chế khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh thông qua chính sách ưu đãi về thuế, phí…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...