Mới đây, trong buổi thảo luận tại Quốc hội về dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), nhìn về thị trường điện ảnh Việt, ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, đồng thời kiêm nhiệm Ủy viên Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật T.Ư, đã phát biểu: "Chúng ta không thể chỉ nhìn 1, 2 bộ phim Trấn Thành, Lý Hải thu được vài trăm tỉ đồng mà tưởng rằng toàn bộ nền điện ảnh Việt Nam tươi sáng. Thực tế có hàng chục bộ phim đang lỗ ròng". Câu nói này phản ánh thị trường vẫn còn rất bấp bênh, thiếu bền vững.
Một số phim thành công, gây sốt phòng vé cho thấy tiềm năng thương mại lớn của điện ảnh Việt cũng như sức hút của các câu chuyện gần gũi, dễ liên hệ đời thường với khán giả trong nước. Thế nhưng, cũng có quá nhiều phim Việt chiếu rạp gặp khó khăn trong việc thu hút khán giả, khiến toàn ngành trở nên thiếu ổn định, trong thế cạnh tranh khốc liệt từ phim ngoại nhập. Các phim ngoại dù không phải bom tấn, kiểu như Quật mộ trùng ma, Cười xuyên biên giới, Quỷ ăn tạng…, nhưng đều có doanh thu cao ở phòng vé Việt bởi sự hấp dẫn về nội dung, chất lượng sản xuất và đang ngày càng chiếm ưu thế, là đối thủ nặng ký của phim Việt. Trong khi đó, phim Việt vẫn đang thiếu kịch bản tốt, chưa có sự đầu tư bài bản vào sản xuất và quảng bá, dẫn đến tình trạng mất cân bằng trên thị trường.
Phim Ngày xưa có một chuyện tình chuyển thể từ truyện ăn khách của Nguyễn Nhật Ánh làm rất tốt về chất lượng, những tưởng sẽ "đặc biệt" hút khán giả, nhưng sau nửa tháng công chiếu thu được hơn 40 tỉ đồng. Hai bộ phim Việt khác vừa ra rạp gần đây là Biệt đội hotgirl (chiếu cả tháng qua) và Giải cứu anh thầy (mới chiếu thăm dò vài ngày), mỗi "tân binh" chỉ thu được trên dưới 100 triệu đồng. Đó là chưa kể đến cả chục phim lỗ nặng khác chiếu từ đầu năm 2024 đến nay. Điều này đặt ra bài toán về thị hiếu, chất lượng phim, chiến lược quảng bá để có thể "kết nối" được khán giả trong nước.
Rõ ràng, thành công của các phim như Mai của Trấn Thành đạt doanh thu 551 tỉ đồng, hay Lật mặt 7: Một điều ước của Lý Hải với 483 tỉ đồng chỉ là những điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh nhiều bộ phim Việt khác phải chịu cảnh thua lỗ, cho thấy sự bấp bênh của thị trường. Điện ảnh Việt đang đối mặt với nhiều thách thức và biến động, đặc biệt vào giai đoạn cuối năm. Dù có sự tăng trưởng về số lượng phim ra rạp và sự phong phú về thể loại, thị trường phim Việt vẫn thiếu những đột phá nổi bật. Ngay cả với những tác phẩm vừa chiếu rạp tháng qua với ê kíp được xem là "hot" như Làm giàu với ma (diễn viên Hoài Linh, Tuấn Trần, Diệp Bảo Ngọc…), Cô dâu hào môn (của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng với diễn xuất của Kiều Minh Tuấn, Lê Giang, Thu Trang, Uyển Ân…), nhưng thực tế bán vé được 70 - 100 tỉ đồng, cũng không tạo ra "cú hích" doanh thu như các phim của Trấn Thành và Lý Hải.
Cần làm gì để thoát cảnh bấp bênh?
Theo nhà sản xuất Tùng Nguyễn, để có thể phát triển bền vững, ngành điện ảnh Việt cần tăng cường đầu tư vào sản xuất và cải tiến nội dung để phù hợp với khán giả hiện đại. Như ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, nhấn mạnh điện ảnh Việt không thể chỉ dựa vào vài phim thành công, mà cần một chiến lược toàn diện để giúp các nhà làm phim trong nước phát triển bền vững.
Một số chuyên gia trong giới điện ảnh cũng cho rằng để giảm bớt tình trạng bấp bênh và giúp thị trường ổn định, các đạo diễn - nhà sản xuất phim cần tập trung vào một số giải pháp như: Đầu tư vào kịch bản chất lượng, có chiều sâu, hấp dẫn, đảm bảo tính độc đáo, phong phú về thể loại và phù hợp với thị hiếu; bởi các nhà làm phim Trấn Thành, Lý Hải đã thành công nhờ kịch bản gần gũi và dễ tiếp cận với khán giả đại chúng.
Bên cạnh đó, để cạnh tranh với phim quốc tế, các phim Việt cần đạt chuẩn mực cao về mặt hình ảnh, âm thanh, và kỹ xảo; bắt buộc đầu tư vào trang thiết bị và đội ngũ kỹ thuật viên có tay nghề cao sẽ giúp nâng tầm sản xuất, cải thiện trải nghiệm xem phim của khán giả. Để thu hút đông đảo khán giả xem phim, các nhà sản xuất cần phát triển chiến lược tiếp thị đa dạng, sử dụng truyền thông xã hội, sự kiện quảng bá… tạo sức hút ngay từ khi phim còn sản xuất hoặc khi đang công chiếu, như trường hợp phim Nhà bà Nữ, Mai, Lật mặt 7 hay như "cú lội ngược dòng" trong quảng bá và phát hành của phim nhà nước Đào, phở và piano hồi đầu năm nay. Cuối cùng là phải hợp tác và học hỏi từ quốc tế để nâng cao tay nghề, cũng như tạo ra cơ hội mở rộng quảng bá, phát hành phim Việt trên thị trường quốc tế.
Bà Bích Hiền của Hãng phim BHD nói: "Sự phát triển bền vững và ổn định của điện ảnh Việt cần có thêm sự hỗ trợ về mặt chính sách và đầu tư dài hạn, chẳng hạn như ưu đãi thuế, quỹ đầu tư cho các dự án sáng tạo, và hỗ trợ đào tạo nhân lực. Đây là những yếu tố quan trọng để tạo động lực và giúp điện ảnh Việt có thể phát triển ổn định".
Đạo diễn Lê Minh nhìn nhận: "Thị trường dù thế nào cũng là đang phát triển tốt hơn so với vài năm về trước, rất nhiều người muốn vào làm phim và sức cạnh tranh cũng lớn hơn. Tôi biết và thấy rõ nhiều đạo diễn rất có tâm trong nghề, dốc sức với công việc sáng tạo này để nỗ lực làm ra những sản phẩm hấp dẫn nhằm giữ chân khán giả đến rạp. Tôi còn tin ở thế hệ đạo diễn mới với tư duy mới lạ, cách tiếp cận khác biệt hơn và muốn bứt ra khỏi vòng an toàn những người đi trước đã làm để có thể bứt phá, tạo ra những tác phẩm phù hợp khán giả và tốt hơn cho điện ảnh Việt".
Hệ lụy lớn nhất của việc doanh thu bấp bênh này chính là sẽ khiến các nhà đầu tư e dè chuyện rót vốn, bỏ ra kinh phí lớn cho các dự án phim mới.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc điều hành Công ty đầu tư và sản xuất phim V Pictures