Thách thức càng lớn, biến động càng nhiều, cái mới càng dồn dập, giáo dục càng cần quay về củng cố, trang bị cho người học những cái cơ bản nhất, nền tảng nhất. Đứng vững chắc nơi những giá trị cốt lõi nhất của giáo dục là các giá trị về tình yêu thương, sự trung thực, lòng thiện lương và cái đẹp, thêm vào đó là những năng lực và kỹ năng mới của thời đại".
Với nhà giáo, ông Kim Sơn cho rằng: "Thách thức càng lớn nhà giáo lại cần quay về đứng chắc, củng cố với nơi các giá trị cốt lõi của người thầy để kiến tạo một tầng lớp trí thức mới, một đội ngũ nhà giáo mới".
Những giá trị từ truyền thống, theo Bộ trưởng Sơn, là tinh thần "học không biết chán, dạy không biết mỏi", tinh thần bao dung, vị tha, hy sinh, sự yêu thương con người rộng lớn sâu xa, tinh thần luôn đổi mới mình, vượt qua các giới hạn để dẫn dắt người học, tinh thần đổi mới từng ngày, tự học, tự thích ứng để dẫn dắt cho học trò.
"Đó là các giá trị vĩnh hằng để người thầy xứng đáng là người thầy trong mọi thời đại", ông Sơn nhìn nhận, cho rằng phẩm chất cũ, kỹ năng mới, tư duy mới, thêm công cụ ngoại ngữ, công cụ số là những điều nhà giáo cần phải nắm chắc.
Đổi mới giáo dục ở chặng đường tiếp theo về thực chất là sự đổi mới ở chiều sâu của chính lực lượng nhà giáo. Giới hạn của nhà giáo chính là giới hạn của nền giáo dục, giới hạn của nền giáo dục chính là giới hạn phát triển của một quốc gia. Nhà giáo chúng ta cần biến những giới hạn trở thành không giới hạn.
Không sợ hãi nhưng cũng không được "cá mè một lứa" với thầy
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng bày tỏ lời cảm ơn tới học sinh, sinh viên vì "các em đã nỗ lực học tập, phấn đấu không ngừng. Chính các em đã làm nên các thành tích của giáo dục và sự thành công, sự lớn mạnh của các thầy cô. Không có học sinh ắt không có gì để thầy làm được thầy. Trong thời đại mới, mong các em học tập tiến bộ, tự tin để thể hiện bản thân, học tập chủ động tích cực".
Người đứng đầu ngành GD-ĐT nhắn nhủ: "Thời đại tự do dân chủ và bình đẳng, các em không cần co ro, nhỏ bé, sợ hãi tự ti trước những người thầy, đặc biệt là các bậc thầy lớn, nhưng cũng không được "cá mè một lứa", làm vỡ nát truyền thống tôn nghiêm của đạo thầy trò. Các em cần tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tích cực thể hiện và khẳng định bản thân trong học tập, nhưng vẫn phải giữ lễ, kính trọng những người thầy. Trọng thầy mới được làm thầy.
Các giá trị tự do bình đẳng và sự kính trọng lễ phép, thầy ra thầy trò ra trò không hề mâu thuẫn với nhau. Truyền thống và hiện tại cần phải thống nhất. Chúc các em biết học, biết kế tục, noi theo những bậc thầy, để biết cách vượt qua những thế hệ thầy đi trước để làm cho giáo dục không ngừng phát triển".