Không thể ngừng sáng tạo và đổi mới
Đó là phương châm giảng dạy của thầy Hà Sơn, bởi theo thầy, tin học là lĩnh vực phát triển và thay đổi từng ngày. Suốt 18 năm giảng dạy, thầy có nhiều sáng kiến nổi bật, tiêu biểu là “Ứng dụng Google Form và Microsoft Form trong đánh giá học sinh” và “Sử dụng Power Automate giao bài kiểm tra trực tuyến qua hệ thống Microsoft Teams để đánh giá đúng kết quả học tập học sinh” được giáo viên áp dụng rộng rãi trong thời gian học trực tuyến vì dịch Covid-19.
“Tôi đã tìm hiểu phần mềm này từ trước khi dịch bùng phát. Khi chuyển sang học trực tuyến, tôi tận dụng các tính năng mới như đăng tải tệp và hình ảnh vào bài kiểm tra, đồng thời tích hợp hệ thống Power Automate để tự động gửi đề đến từng học sinh, đảm bảo mỗi em có mã đề và bộ câu hỏi riêng”, thầy Sơn chia sẻ.
Sáng kiến này đã hỗ trợ nhiều giáo viên tại Trường THPT Võ Thị Sáu và các trường khác trong việc giao bài tập và kiểm tra học sinh suốt thời gian dịch Covid-19. Nhờ đó, cả 2 sáng kiến trên đã được UBNTD TP.HCM và Sở GD-ĐT ghi nhận, đánh giá sáng kiến xuất sắc trong ngành giáo dục và là dấu ấn của Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay.
“Giáo viên phải sáng tạo trước”
Thầy Võ Ngọc Hà Sơn là đồng tác giả sách giáo khoa tin học lớp 12, bộ sách Chân trời sáng tạo, theo định hướng Chương trình GDPT 2018. Trong đó, thầy phụ trách chủ đề lập trình web với cách làm bài tập đổi mới: thay vì trả lời câu hỏi lý thuyết, học sinh sẽ làm chuỗi dự án tạo trang web, trong đó có 1 dự án thiết kế web kỷ yếu.
“Chương trình mới muốn rèn luyện cho các em tư duy sáng tạo, vậy thì giáo viên phải là những người sáng tạo trước hết để khơi dậy hứng thú và ngọn lửa học tập cho các em”, nam giáo viên chia sẻ.
Cũng theo thầy Sơn, bộ sách giáo khoa mới không chỉ bám sát chương trình mà còn cần cập nhật những kiến thức hiện đại về công nghệ, thông tin nhằm trang bị cho học sinh nền tảng vững chắc trong thời đại mới như việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kỹ năng giao tiếp trên không gian mạng…
Trong quá trình giảng dạy, nam giáo viên thường tạo các trò chơi và thử thách bất ngờ để thu hút học sinh. “Tin học là môn học đòi hỏi thực hành nhiều hơn lý thuyết, vì vậy tôi thường tạo ra các câu đố và cùng học sinh giải đố. Thầy trò cùng học giúp các em tập trung và chú ý hơn trong quá trình thực hiện”, thầy Sơn giải thích.
Luyện “gà chiến” cả 3 khối, luôn trong trạng thái sẵn sàng
Đã nhiều năm, thầy Võ Ngọc Hà Sơn là giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi tin học cho cả 3 khối lớp, chuẩn bị cho các kỳ thi học sinh giỏi thành phố, nghiên cứu khoa học, Olympic 30/4..., góp phần mang về nhiều thành tích và huy chương cho trường. Thầy luôn chào đón học sinh có hứng thú với tin học, tạo cơ hội cho các em phát triển đam mê và kỹ năng của mình.
Lưu Võ Thiên Phúc, học sinh lớp 12A13, đã đồng hành cùng thầy Sơn trong các cuộc thi tin học suốt 3 năm qua, chia sẻ bạn từng là người không biết gì về lập trình, pascal, nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy, bạn đã giành được huy chương đồng trong kỳ thi Olympic 30.4 năm học vừa rồi. “Tin học là môn đòi hỏi luôn cập nhật kiến thức và công nghệ mới, vì vậy không ngừng học hỏi kiên nhẫn là bài học quý giá nhất mà em học được từ thầy”, nam sinh bày tỏ.
Cô Trần Thị Thanh Nhặn, Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu, nhận xét thầy Hà Sơn là giáo viên đa năng, sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp và học sinh. “Thầy phụ trách mảng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu và các thiết bị máy móc của trường. Khi dịch Covid-19, thầy tích cực và nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ cho những thầy cô lớn tuổi không rành công nghệ cách giảng dạy, giao bài tập và kiểm tra trực tuyến”, cô Nhặn nói.