Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, phương pháp giáo dục hiện nay chưa phát huy được sự tích cực, sáng tạo của người học, chưa chú trọng rèn luyện kỹ năng và phẩm chất cho người học; hiệu quả đầu tư giáo dục chưa tương xứng với chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Trước đó, thảo luận về dự thảo luật Nhà giáo tại Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu những ý kiến xác đáng về những điều phải có trong luật và những điều cần phải thêm vào luật: "Phải làm sao để các thầy, cô giáo đón nhận luật này thấy thực sự phấn khởi, thực sự là tôn vinh, thực sự là tạo điều kiện thuận lợi cho người thầy. Đừng để luật ra các thầy cô lại thấy khó khăn hơn hay lại nói quy định thế này sao làm được".
Ai cũng biết, làm luật ở Việt Nam thật sự không dễ, nhưng không dễ cũng phải làm, và làm cho tốt nhất, đúng nhất với tinh thần của luật.
Từ ngày xưa, chưa có luật giáo dục nhưng cha ông ta đã có một câu ngắn gọn: "Tôn sư trọng đạo". Nghĩa là phải tôn quý thầy, và phải tôn trọng đạo. Đạo ở đây là đạo giáo dục, gồm cả đạo thầy, đạo trò và đạo phụ huynh. Giáo dục nhân bản phải gồm đủ cả 3 thành phần ấy.
Vì thế, ai cũng phấn khởi vì thầy cô giáo đã được và sẽ được tạo điều kiện về lương bổng, chỗ ở, chế độ khi lên miền núi dạy học. Không thể để thầy cô giáo phải khổ sở vì thiếu thốn nhiều bề, cái này trong luật Nhà giáo phải rõ rành, minh bạch. Đồng thời, phải nêu rõ trách nhiệm của thầy cô giáo, nói ở mức cao như Tổng Bí thư nói, mỗi người thầy phải là một nhà khoa học. Muốn vậy, phải học suốt đời, và càng ở tuổi cao càng tích lũy được nhiều kiến thức và trải nghiệm, chứ không phải tới tuổi hưu là hết, không được dạy nữa.
Còn làm sao để "thầy ra thầy, trò ra trò", trong quan hệ thầy trò thể hiện được tính ưu việt của giáo dục, thì thầy cô giáo phải nêu gương từ trong lớp học tới ngoài đời sống. Làm sao để học sinh không thể quên được những thầy cô giáo đã dạy mình, từ những lớp tiểu học trở lên. Lòng biết ơn khởi lên từ sự không quên đó.
Chúng ta đã từng nêu lên rằng học sinh là chủ thể, người thầy là người truyền đạt kiến thức. Hiểu như thế là không đúng. Người thầy phải là chủ thể trong giáo dục, không thể khác. Học sinh là đồng kiến tạo với chủ thể người thầy. Và như thế, quan hệ thầy - trò sẽ vừa kính trọng vừa thân mật. Thầy giúp trò, và trò có thể thảo luận trao đổi với thầy một cách dân chủ trong lễ phép.
Còn việc học tập suốt đời thì không chỉ học sinh mà thầy cô giáo cũng phải học, nói như Lênin là "Học, học nữa, học mãi".
Luật Nhà giáo, nghĩ cho cùng, là một trong những luật khó làm nhất, nhưng phải làm cho tốt nhất, đầy đủ nhất, đúng và cập nhật nhất.