Trong đó, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi, xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.
Các cơ quan quản lý giáo dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo. Dự thảo luật quy định việc bổ nhiệm do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu hoặc quyết định hoặc công nhận theo thẩm quyền được giao.
Ách tắc
GS Thái Văn Thành, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cho rằng quy định nêu trong dự thảo luật Nhà giáo là phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Thực tế hiện nay, ngành giáo dục không được chủ trì trong việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Điều này dẫn tới những điểm nghẽn.
Theo ông Thành, nguyên nhân khiến hiện nay cả nước thiếu khoảng 120.000 giáo viên, trong đó 72.000 người là chưa tuyển dụng, công tác tuyển dụng chậm trễ "là bởi chúng ta có nhiều khâu, nhiều tầng lớp, dẫn đến "ách tắc".
Cạnh đó, việc ngành giáo dục không được chủ trì, chủ động trong quản lý biên chế cũng khiến ngành không xây dựng được quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo. Khi có quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo mới xác định được nguồn đầu vào đào tạo giáo viên, thu hút được những học sinh phổ thông xuất sắc, học sinh giỏi yêu quý nghề dạy học vào học sư phạm; hoặc thực hiện Nghị định 116 về hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Lâu nay, ngành giáo dục khó thực hiện bởi khi đào tạo, đặt hàng sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường rồi, nhưng biên chế không nắm được.
"Giao cho ngành nội vụ quản lý thì sẽ đóng khung trong từng huyện. Ngay cả trong một tỉnh thì huyện này thừa huyện kia thiếu giáo viên bộ môn, nhưng không điều động được", ông Thành nhìn nhận.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cũng đánh giá dự thảo quy định này đúng là một trong những điểm mới, khác với quy định trong luật Viên chức và các luật pháp liên quan hiện hành. Đây có thể coi là giải pháp hợp lý nhằm tháo gỡ một số bất cập, vướng mắc trong thực tiễn quản lý nhà giáo hiện nay khi Bộ GD-ĐT chỉ có quyền quản lý về chuyên môn đối với nhà giáo; không quản lý về số lượng, biên chế, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm đối với nhà giáo.
Gia tăng yếu tố chuyên môn, chất lượng trong tuyển dụng
Cơ quan soạn thảo luật Nhà giáo cho rằng, nếu quy định này được thông qua, ngành giáo dục sẽ có sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo vì có chế tài pháp lý đủ mạnh để tháo gỡ các nút thắt trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo thời gian qua; có cơ chế để thu hút người giỏi đến với nghề dạy học, giữ chân nhà giáo giỏi trong nghề. Từ đó, nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục trên cơ sở chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo về chất lượng.
Cùng với đó, quy định về tuyển dụng nhà giáo trong dự thảo luật đặt ra một số yêu cầu nhằm đáp ứng đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo khác với viên chức các ngành, lĩnh vực khác, khác với người lao động thuần túy.
Trong đó, một nội dung điều chỉnh quan trọng trong tuyển dụng nhà giáo là: phương thức tuyển dụng thông qua xét tuyển hoặc thi tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm. Theo Bộ GD-ĐT, yêu cầu tuyển dụng nhà giáo phải có thực hành sư phạm sẽ giúp gia tăng chất lượng chuyên môn của người được tuyển dụng làm nhà giáo, lựa chọn được đúng người vào nghề.
Chia sẻ với báo chí về nội dung này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc chuyển tư duy quản lý nhà nước về nhà giáo sang mô hình quản trị nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi giáo dục đứng trước những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện.
Luật Nhà giáo sẽ là khung pháp lý nhất quán, có hiệu lực và hiệu quả để kiến tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo. Trong đó, chủ thể quản lý nhà nước về nhà giáo được nhấn mạnh về phía trách nhiệm của ngành giáo dục và được phân cấp cụ thể từ bộ tới sở, phòng và các cơ sở giáo dục.
"Định hướng khi xây dựng luật Nhà giáo là sẽ gia tăng yếu tố chuyên môn, yếu tố chất lượng trong cả việc đào tạo và tuyển dụng nhà giáo. Điều này giúp việc quản lý chặt chẽ hơn, thực chất hơn và nhà giáo cảm thấy thoải mái hơn, tự do hơn trong hoạt động nghề nghiệp và có nhiều điều kiện để phát triển bản thân, đóng góp với nghề", Bộ trưởng Sơn nói.