Sở VH-TT TP.HCM cho biết cơ sở vật chất phục vụ cho ngành văn hóa, thể thao do Sở này quản lý có 12 mặt bằng là rạp hát được tiếp quản từ năm 1975 đến nay. Thời gian qua, Sở đã tăng cường hiệu suất sử dụng theo mặt bằng hiện có nhưng hầu như chưa được phát triển, mở rộng.
Trong số đó, hiện chỉ có 2/12 rạp hát tại TP.HCM đủ điều kiện hoạt động biểu diễn phục vụ nhu cầu giải trí của người dân là Nhà hát TP.HCM và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Ngoài ra, trên địa bàn TP.HCM có Nhà hát Hòa Bình và Nhà hát Bến Thành là những công trình văn hóa đang hoạt động mang điểm nhấn của TP.HCM.
Trước thực trạng chỉ có 2/12 rạp hát tại TP.HCM đủ điều kiện hoạt động, nhiều ý kiến cho rằng việc 10 rạp hát không còn tổ chức hoạt động biểu diễn sẽ dẫn đến lãng phí cơ sở vật chất. Về vấn đề này, phía Sở VH-TT TP.HCM cho hay: "Trước đây, địa chỉ số 243 đường Lý Tự Trọng, Q.1 được giao cho Nhà hát Nghệ thuật hát bội quản lý, sử dụng. Đến năm 2017, Sở đã bàn giao địa chỉ số 243 Lý Tự Trọng cho Trung tâm Phát triển quỹ đất theo chỉ đạo. Đối với rạp Công Nhân tại địa chỉ số 30 Trần Hưng Đạo, Q.1 do Nhà hát Kịch TP.HCM quản lý, sử dụng. Rạp này hiện không đảm bảo điều kiện biểu diễn, đang tạm ngưng các hoạt động sửa chữa sau sự cố cháy nổ xảy ra. Tuy nhiên, Nhà hát Kịch TP.HCM vẫn duy trì các hoạt động hành chính tại đây".
Để để đảm bảo đủ điều kiện phục vụ các hoạt động biểu diễn, Sở VH-TT TP.HCM cho biết đang nghiên cứu, đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2026-2030 dự án "Sửa chữa, cải tạo rạp Công Nhân giai đoạn 2".
Sở VH-TT TP.HCM cho biết thêm, hiện nay phần lớn cơ sở vật chất thuộc Khối Nghệ thuật được giao tiếp nhận và quản lý sử dụng từ năm 1975 đến nay đã xuống cấp, chỉ đáp ứng tạm thời - làm trụ sở làm việc, làm cơ sở để tập luyện, kho để đạo cụ, phục trang, cảnh trí.
Từ thực trạng trên, Sở VH-TT TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở trên tinh thần hỗ trợ, phối hợp sắp xếp lại cơ sở vật chất nhằm đảm bảo địa điểm tổ chức các chương trình nghệ thuật phục vụ chính trị và phục vụ nhu cầu giải trí của người dân; đồng thời, giải quyết các khó khăn chung của ngành song song với công tác phối hợp, đề xuất Sở Kế hoạch đầu tư bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2026-2030 và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa thể thao.