Tham dự hội thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo chia sẻ sau kỷ nguyên giành độc lập và kỷ nguyên đổi mới thì đất nước bước vào kỷ nguyên thứ 3 - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Góp ý về việc cách thức triển khai nghị quyết, bà Thảo nhấn mạnh không nên triển khai một chiều, tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến một ngày coi như xong bởi cách làm này nhanh nhưng không thấm sâu.
Bên cạnh đó, thực hiện nghị quyết cần gắn với những việc tập trung, trọng tâm, trọng điểm tạo tác động lan tỏa. Khi triển khai sẽ thấy thực tế chuyển biến, nơi nào có kết quả thì nhân rộng, nơi nào khó khăn thì tháo gỡ. "Những nhà lãnh đạo có dấu ấn như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất giỏi chỉ đạo thực tiễn thông qua mô hình tiên tiến, tháo gỡ khó khăn", bà Thảo dẫn chứng.
Cũng theo bà Thảo, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cần song hành với việc tạo môi trường làm việc, xem xét điều chỉnh những quy định, quy trình không phù hợp, không thực tế, nặng nề tính hình thức.
Về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, bà Thảo đồng tình cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với tinh thần cấp nào làm tốt thì giao cấp đó, tránh tình trạng một việc giao nhiều cấp, xung đột trách nhiệm. "Cần làm rõ những việc nào của thành phố, của quận, của phường, tránh tình trạng nặng nề một cấp", bà Thảo nói.
Trao đổi tại hội thảo, lãnh đạo một số địa phương đồng tình với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về cho cơ sở, đồng thời đề nghị việc phân quyền phải triệt để, tránh tình trạng giao quyền cho quận rồi nhưng vẫn phải hỏi sở ngành. Mặt khác, việc phân quyền cũng cần gắn liền với phân bổ nguồn lực tài chính, nhân lực để địa phương chủ động giải quyết những công việc thực tiễn phát sinh.
Tinh gọn bộ máy gắn với chuyển đổi số
PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực 2 đánh giá chủ đề hội thảo nói về những công việc quan trọng và rất thời sự. Ông cho rằng cần đẩy mạnh đấu tranh phòng chống suy thoái chính trị, xây dựng đội ngũ đảng viên tinh hoa để đáp ứng điều kiện tình hình mới.
Liên quan đến việc tinh gọn bộ máy, PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh đến việc chuyển đổi số. Sắp tới, bộ máy Nhà nước, bộ máy trong Đảng được tinh gọn thì phải chuyển đổi mới quản lý nổi một địa phương dân số đông, mật độ cao, công việc nhiều như TP.HCM. "Chuyển đổi số phải làm tới nơi tới chốn", ông Dũng nói thêm.
Đồng quan điểm, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng việc tinh gọn bộ máy cần đặt trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay diễn ra rất mạnh mẽ.
Bởi lẽ, người dân là đối tượng cung cấp dịch vụ công đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy 85% người dân có điện thoại thông minh, 98% tiếp cận internet, 75 triệu tài khoản xã hội, thời gian sử dụng internet trung bình gần 7 giờ/ngày.
Song song với tinh gọn, TP.HCM có thể tổ chức các nhóm mô hình đặc thù, sử dụng công nghệ vào vận hành. Đơn cử như vừa qua, TP.HCM thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cũng là một mô hình quan trọng.
Nêu giải pháp, TS Vũ cho rằng cần ưu tiên nguồn lực phát triển đồng bộ hạ tầng số như tập trung đầu tư các hệ thống truyền dẫn quốc tế, tiếp tục xây dựng và mở rộng mạng cáp quang băng thông rộng tốc độ cao, phổ cập và sẵn sàng kết nối cáp quang băng rộng đến hộ gia đình, phát triển mạng 5G và các thế hệ tiếp theo.
Bên cạnh đó, chuyên gia khuyến nghị sớm hiện đại hóa các tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện các cơ quan trong hệ thống chính trị, hoàn thiện thể chế, pháp luật đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng chuyển đổi số.