Theo cáo trạng, tháng 8.2016, Công ty Xuyên Việt Oil được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, qua đó trở thành thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Sai nguyên tắc khi không mở tài khoản định danh BOG
Lợi dụng việc được Nhà nước giao thu hộ tiền Quỹ bình ổn giá (BOG) và quản lý, sử dụng tiền Quỹ BOG tại Công ty Xuyên Việt Oil, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh đã làm trái các quy định của pháp luật về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG.
Cụ thể, bị cáo chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền từ tài khoản Công ty Xuyên Việt Oil vào tài khoản cá nhân của mình, để sử dụng vào mục đích riêng. Hành vi trên dẫn đến Quỹ BOG có số dư không đúng theo quy định, gây thất thoát tài sản nhà nước hơn 219 tỉ đồng.
Tại tòa, về hành vi này, bị cáo Hạnh khai, theo quy định quỹ BOG sẽ được chuyển vào tài khoản định danh do Bộ Công thương và Bộ Tài chính quản lý. Tuy nhiên, bị cáo đã không mở tài khoản định danh mà mở tài khoản bình thường, nên tiền vào tiền ra không ai quản lý.
Chủ tọa hỏi: Vậy là ngay ban đầu, bị cáo đã thực hiện sai nguyên tắc. Bị cáo Hạnh trả lời: "Dạ".
Cũng theo lời khai bị cáo Hạnh, một tháng Công ty Xuyên Việt Oil sẽ báo cáo 2 lần gửi Bộ Tài chính. Tòa hỏi: "Có thời điểm báo cáo, tài khoản Quỹ BOG chỉ còn vài trăm ngàn, 2 triệu đồng nhưng bị cáo vẫn báo cáo còn 219 tỉ đồng. Bị cáo nghĩ sao?".
Bị cáo Hạnh trả lời: "Chuyện này Bộ Tài chính biết nên có hối thúc bị cáo đóng tiền nhưng thời điểm đó cục thuế cấm xuất nhập khẩu nên bị cáo bất khả kháng trong quá trình thanh toán".
Biết sai nhưng không nộp lại thuế bảo vệ môi trường
Ngoài việc gây thất thoát Quỹ BOG 219 tỉ đồng, theo cáo trạng, khi Công ty Xuyên Việt Oil trở thành thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ có nhiệm vụ giúp Nhà nước thực hiện việc thu hộ tiền thuế bảo vệ môi trường từ người tiêu dùng. Từ đó sẽ nộp thay người tiêu dùng khoản tiền thuế này vào ngân sách nhà nước theo định kỳ.
Song, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh cố ý không chuyển nộp số tiền thuế bảo vệ môi trường đã quản lý, thu hộ cho Nhà nước vào ngân sách mà sử dụng cá nhân. Hành vi trên dẫn đến mất khả năng hoàn trả lại cho ngân sách nhà nước, gây thất thoát hơn 1.244 tỉ đồng.
Tại tòa, bị cáo Hạnh thừa nhận hành vi. Bị cáo Hạnh khai, bị cáo hiểu phải nộp thuế bảo vệ môi trường lại cho Nhà nước nhưng đã không nộp mà sử dụng vào mục đích khác gây thất thoát.
Theo bị cáo Hạnh, bị cáo Như Phương (Nguyễn Thị Như Phương, cựu Phó giám đốc Xuyên Việt Oil, cháu bị cáo Hạnh - PV) không biết số liệu ở công ty, không giúp sức cho bị cáo.
Chủ tọa hỏi: "Cáo trạng quy kết bị cáo Phương bị xét xử về hành vi ký 23 báo cáo, phải ký mới bị cơ quan điều tra quy kết chứ sao bị cáo lại nói Phương không biết?". Bị cáo Hạnh đáp: "Bị cáo Phương chỉ ký thôi chứ không biết, không hiểu". Liên quan số tiền Quỹ BOG ở ngân hàng, bị cáo Hạnh trình bày, bị cáo Phương có rút tiền trong tài khoản BOG vì Phương là phó giám đốc kiêm luôn thủ quỹ. Ngoài ra, các kế toán rút tiền, nhưng người chỉ đạo là bị cáo Hạnh, kế toán rất nhiều, khoảng 15 người nên ai ở công ty người đó rút.
"Bị cáo nhận thức được hành vi sai trái của mình, ăn năn hối cải, xin HĐXX cho bị cáo thêm thời gian để khắc phục hậu quả bằng tài sản bị cáo có", Hạnh nói.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh bị xét xử về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "đưa hối lộ" cho 8 cựu quan chức với tổng số tiền hơn 31,5 tỉ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Như Phương (cựu Phó giám đốc Xuyên Việt Oil) bị xét xử về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", giúp sức bị cáo Hạnh gây thất thoát hơn 219 tỉ đồng.