ĐH Hồng Kông (HKU) tổ chức ngày hội thông tin du học tại TP.HCM vào chiều 28.9, thu hút hơn trăm người học, phụ huynh tham dự. Đây cũng là lần đầu lãnh đạo hai khoa ở ĐH này đến Việt Nam để tìm hiểu thị trường và trực tiếp tư vấn tuyển sinh. Theo 2 bảng xếp hạng năm 2024, 2025 của tổ chức QS (Anh), ĐH Hồng Kông đứng số 2 châu Á và xếp hạng 17 thế giới.
Rộng cửa chính sách
Trao đổi với Thanh Niên bên lề sự kiện, bà Esther Kwok, Giám đốc tuyển sinh tại HKU, cho biết kể từ sau đại dịch Covid-19, trường đang dành sự ưu tiên cho thị trường Việt Nam. Do đó, chuyến thăm lần này đến Việt Nam có đủ đại diện của 10 khoa và 8 trường ở HKU, không chỉ để tuyển sinh mà còn nhằm hiểu thêm về thị trường Việt Nam. "Trường từng chỉ có vài người Việt theo học, nhưng con số này đã tăng lên hàng chục mỗi năm", bà Kwok nói.
Bà Kwok nhận định sự tăng trưởng đến từ hai nguyên nhân. Đầu tiên, từ cuối năm 2023, Hồng Kông đã quyết định nới lỏng chính sách thị thực cho người Việt, tạo điều kiện để học sinh Việt Nam có thể đến đặc khu này học tập. Thứ hai, học sinh Việt rất chăm chỉ, giỏi tiếng Anh, có thành tích tốt và dễ hòa nhập với môi trường đa văn hóa ở HKU, thúc đẩy nhà trường ưu tiên tuyển sinh, nữ giám đốc chia sẻ.
"Về điều kiện đầu vào, chúng tôi hiện xét tuyển điểm học bạ kết hợp với những yếu tố khác như khả năng lãnh đạo, hoạt động ngoại khóa, giải thưởng quốc tế, bài luận. Trong đó, quan trọng là khả năng tiếng Anh và tính toán. Chúng tôi hiện tập trung đào tạo kiến thức về trí tuệ nhân tạo (AI) nên các bạn không nên sợ toán và khoa học dữ liệu. Hướng ngoại và chủ động nắm bắt cơ hội cũng là điểm cộng", bà Kwok đưa lời khuyên.
Mặt khác, chính quyền đặc khu Hồng Kông năm ngoái thông báo các trường ĐH công lập, trong đó có HKU, tăng gấp đôi số lượng sinh viên ở nước ngoài và Trung Quốc đại lục, từ 20 lên 40%. Động thái này là tín hiệu tốt cho người Việt, song cũng khiến trường phải tiếp nhận số đơn xin học nhiều hơn bao giờ hết. "Vì thế, ứng viên nên thật sự chọn ngành học vì đam mê, đừng vì nghề nào đó, để tăng cơ hội cạnh tranh", bà Kwok nói.
Bà Lucy Tsui, Quản lý cấp cao Văn phòng hỗ trợ nhân tài thuộc Cục Lao động và phúc lợi Hồng Kông, cho biết thêm đặc khu này đang ngày càng quan tâm đến thu hút và giữ chân nhân tài, trong đó có Việt Nam. Đó là nguyên nhân Hồng Kông lập Văn phòng hỗ trợ nhân tài từ cuối năm ngoái để tư vấn, giúp đỡ sinh viên quốc tế có ý định ở lại Hồng Kông làm việc.
"Nếu đang cân nhắc ở lại Hồng Kông sau khi tốt nghiệp, hiện chúng tôi có tới 7 chương trình thu hút nhân tài mà bạn có thể ứng tuyển. Một số chương trình yêu cầu bạn phải có thư mời làm việc từ các doanh nghiệp tại Hồng Kông, trong khi số khác tập trung vào việc bạn có gắn bó với Hồng Kông hay không, ví dụ như dành nhiều năm làm việc hay khởi nghiệp ở đây", bà Tsui chia sẻ.
Theo bà Tsui, một trong những chương trình mới nhất là Top Talent Pass Scheme, được triển khai từ năm 2022. Để tham gia chương trình, ứng viên cần có bằng cử nhân từ một trong 185 ĐH hàng đầu thế giới. Ngoài ra, các bạn cũng có thể chọn chương trình IANG, cho phép ứng viên trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp tại Hồng Kông có thể nộp đơn xin ở lại làm việc trong 2 năm và có thể tăng thêm.
Nhiều ứng viên đậu học bổng
Bà Vũ Hà, Phó trưởng văn phòng đại diện của HKU tại Việt Nam, nhận định HKU đang ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam, không chỉ dừng ở câu chuyện tuyển sinh. Điều này đến từ việc Việt Nam là một thị trường mới nổi, có nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, nước ta có dân số trẻ và vị thế ngày càng quan trọng khi bối cảnh địa chính trị thay đổi hậu Covid-19.
"Nhân chuyến thăm, phái đoàn từ HKU còn muốn tìm cơ hội hợp tác nghiên cứu, tuyển dụng nhân tài. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tìm cơ hội để các giáo sư từ trường có thể trực tiếp sang Việt Nam đứng lớp thông qua một trường ĐH đối tác ở Việt Nam. Ngoài các chương trình ĐH và sau ĐH, chúng tôi còn muốn tổ chức các chương trình đào tạo cấp cao cho lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp trực tiếp tại Việt Nam", bà Hà thông tin.
Bà Hà cũng nhấn mạnh, không chỉ giới thiệu giáo dục Hồng Kông với người Việt, văn phòng đại diện còn đóng vai trò cầu nối để đưa sinh viên nước ngoài đến với Việt Nam. Mới đây nhất vào tháng 7, nhóm học viên thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại Trường Kinh doanh HKU đã có chuyến đi thực tế đến Việt Nam để trải nghiệm văn hóa và trao đổi kinh nghiệm làm việc với các công ty, cơ quan chính phủ.
"Mục đích của chúng tôi là kết nối Việt Nam với thế giới", bà Hà nói với Thanh Niên.
Bà Hà cho biết thêm, HKU đang đưa ra rất nhiều chương trình học bổng dành riêng cho người Việt. Với bậc ĐH, HKU đang vận hành chương trình đề cử học bổng, tức một số trường THPT được chọn có thể đề cử người nhận học bổng hoặc học sinh tự đề cử chính mình, với giá trị học bổng là 100% học phí. Các yêu cầu gồm điểm học bạ trên 8, trình độ tiếng Anh IELTS từ 6.5, bài luận, thư giới thiệu, hoạt động ngoại khóa...
Năm học trước, trường nhận 70 hồ sơ và trao học bổng cho 23 ứng viên, tỷ lệ cạnh tranh nằm ở mức 1 chọi 3. Còn năm nay, HKU dự kiến trao 20 suất cho người Việt.
Ngoài ra, văn phòng đại diện của HKU tại Việt Nam hợp tác với một quỹ đầu tư ở Hồng Kông để triển khai học bổng bậc thạc sĩ dành riêng cho người Việt, giá trị lên đến 100% học phí kèm trợ cấp trọn gói là 120.000 HKD, áp dụng cho ứng viên theo học ở Trường Kinh doanh HKU. Bên cạnh đó, HKU cũng có nhiều chương trình học bổng khác dành cho sinh viên quốc tế nói chung nên người học từ Việt Nam cũng có thể ứng tuyển.