Tuần Văn hóa - du lịch và liên hoan cồng chiêng, xoang sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ 11 - 14.12 tại nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đây là sự kiện văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiêu biểu của các dân tộc tỉnh Kon Tum; qua đó, góp phần giữ gìn, tôn vinh, giới thiệu đến du khách, bạn bè trong và ngoài tỉnh, quốc tế về vùng đất - văn hóa, con người tại Kon Tum.
Hoạt động này còn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch.
Từ sự kiện này, tỉnh Kon Tum hy vọng sẽ giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, phát triển kinh tế, văn hóa - du lịch của tỉnh. Đồng thời, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, địa phương giới thiệu những sản phẩm mới, kích hoạt, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh.
Tuần Văn hóa - du lịch tỉnh Kon Tum năm 2024 sẽ có các sự kiện nổi bật như: liên hoan cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số; lễ hội đường phố; trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; hội nghị sơ kết bản ghi nhớ hợp tác du lịch giữa 3 tỉnh Ắt-ta-pư, Sê Kông, Sa-la-van (nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào) với tỉnh Kon Tum (Việt Nam) giai đoạn 2022 - 2027…
Riêng hội đường phố dự kiến có khoảng 1.050 nghệ sĩ, nghệ nhân, học sinh tham gia biểu diễn.
Theo ông Phan Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, nhìn chung các công tác phân công nhiệm vụ để chuẩn bị cho Tuần Văn hóa - du lịch cơ bản đã hoàn tất.
Đối với liên hoan cồng chiêng, xoang là sự kiện của tỉnh Kon Tum, được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần. Liên hoan lần này mỗi huyện, thành phố sẽ thành lập một đoàn gồm 2 đội nghệ nhân. Mỗi đội tối thiểu 30 nghệ nhân cồng chiêng và xoang, sẽ tham gia xây dựng một chương trình biểu diễn, tối thiểu 3 tiết mục, với thời lượng khoảng 30 phút/chương trình/đội.
"Điểm mới của liên hoan lần này là có hoạt động chỉnh âm cho chiêng. Đây là hoạt động mới, nhằm bảo tồn văn hóa cho đúng với bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Ngoài ra, để phát huy, bảo tồn văn hóa dân tộc, mỗi huyện, thành phố giới thiệu một lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa đặc trưng của dân tộc; trình diễn di sản văn hóa như: nghề đan lát, dệt, đẽo tượng gỗ, làm bến nước, chòi rẫy...", ông Hoàng nói.