Chọn ngành đại học từ lớp 9

09:07 - 30/09/2024

Trước đây, thông thường đến bậc THPT, thậm chí lớp 11, 12 học sinh mới được định hướng nghề nghiệp, trải nghiệm ngành nghề thì hiện nay, các trường THCS đã bắt đầu thực hiện cho học sinh từ những tháng đầu tiên của năm lớp 9.

Năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên Chương trình GDPT 2018 phủ hết tất cả các cấp học từ lớp 1 đến lớp 12. Một trong những nguyên tắc quan trọng của Chương trình GDPT 2018 là tích hợp ở cấp học dưới và phân hóa từ cấp THPT để đáp ứng sở trường, năng lực của học sinh (HS) trong định hướng nghề nghiệp. Do đó, từ 3 năm nay, áp dụng chương trình mới, khi vào lớp 10, bên cạnh các môn bắt buộc, hoạt động giáo dục, HS sẽ chọn tổ hợp các môn tự chọn theo định hướng nghề nghiệp.
Chọn ngành đại học từ lớp 9

Học sinh Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tham gia tiết học tại Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM

ẢNH: DIỄM DIỄM

Thực tế những năm qua cho thấy nhiều HS, phụ huynh lúng túng khi chọn môn học cho con để phù hợp với hướng đi vào các trường ĐH sau này.

ĐỊNH HƯỚNG HS HIỂU VỀ THẾ MẠNH CỦA BẢN THÂN

Mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là bên cạnh việc học kiến thức và kỹ năng nền tảng, HS THCS sẽ được hướng dẫn các định hướng mục tiêu trong cuộc sống. Trong đó, HS sẽ được tìm hiểu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục ở bậc THPT theo định hướng nghề nghiệp thông qua việc lựa chọn tổ hợp môn tự chọn.

Chính từ những định hướng này mà bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho hay trước đây, đến bậc THPT, thậm chí đến lớp 11 hoặc lớp 12, HS mới được định hướng nghề nghiệp, trải nghiệm ngành nghề thì hiện nay, các trường THCS phải sớm nhập cuộc. Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập cũng chỉ ra rằng trường THCS phải đổi mới công tác hướng nghiệp mới có thể giúp HS đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT. Trường phải có trách nhiệm trang bị cho HS kỹ năng, kiến thức bước đầu tiếp cận các lĩnh vực ngành, nghề để chọn được đúng nhóm môn học ở bậc THPT.

Đề cập những thay đổi về công tác hướng nghiệp ở bậc THCS, bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (Q.1, TP.HCM), nhìn nhận Chương trình GDPT 2018 đặt ra phải thực hiện sớm những yêu cầu này. Việc hướng nghiệp hiện nay không còn chỉ là phân luồng HS theo các mô hình giáo dục phù hợp với năng lực và điều kiện gia đình sau khi tốt nghiệp bậc THCS mà cần định hướng cho HS hiểu về thế mạnh của bản thân, ngành nghề nào phù hợp, cần học theo nhóm môn học nào để chọn trường THPT…

Tương tự, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1, TP.HCM), cũng nói: "Công tác hướng nghiệp nay đã khác, rộng hơn, sớm hơn và đa dạng hình thức tiếp cận. Bên cạnh kiến thức cơ bản về ngành nghề, các trường THCS chủ động thực hiện việc kết nối để sớm tạo cho HS nền tảng, nuôi dưỡng đam mê, định hướng nghề nghiệp. Càng chuẩn bị sớm bao nhiêu thì càng giúp HS hiểu học ngành gì, làm nghề gì để có sự lựa chọn môn học phù hợp và phát huy hết năng lực cá nhân".

HỌC SINH THCS TÌM HIỂU TRƯỜNG ĐH

Bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập, thừa nhận: "Hồi nào đến giờ chưa từng nghĩ đến việc kết nối với các trường ĐH nhưng nay phải làm để còn định hướng tư vấn sao cho HS chọn trường THPT có tổ hợp môn tự chọn phù hợp để sau này còn thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH, phát triển bản thân". Bà Diễm Trâm chia sẻ điều này khi đang xây dựng chương trình hướng nghiệp, trải nghiệm cho HS lớp 8, lớp 9.

Ngay từ khi năm học mới bắt đầu, Ban Giám hiệu Trường Hà Huy Tập đã chuẩn bị kế hoạch tư vấn hướng nghiệp bằng việc tổng hợp các tổ hợp môn tự chọn của các trường THPT ở những khu vực lân cận hay của các trường THPT mà HS thường có nhu cầu và nguyện vọng muốn theo học. Trên cơ sở đó, kết hợp với thông tin về tổ hợp môn xét tuyển các ngành, nghề của các trường ĐH, thầy cô sẽ giúp HS định hình học tổ hợp môn tự chọn nào ở trường THPT thì có thể học ngành gì ở bậc ĐH. Nhà trường sẽ xây dựng danh mục để HS dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu và lựa chọn, tránh tối đa việc học môn tự chọn không phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp của HS.

Bên cạnh đó, nhiều trường THCS đã tính đến việc đưa HS tìm hiểu thực tế việc học ĐH, ngành nghề của các trường ĐH trong xu hướng phát triển. Bà Trâm nhấn mạnh: "Việc tổ chức cho học trò trải nghiệm tìm hiểu các ngành nghề, các trường ĐH là dịp để các em lắng nghe bản thân một cách tích cực nhất. Nhìn, biết, hiểu, thích thú sẽ là cơ sở để các em có sự lựa chọn tổ hợp môn phát huy năng lực, sở trường, thế mạnh bản thân".

Cũng trong năm học này, HS Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) sẽ lần lượt thực hiện các tiết hướng nghiệp trải nghiệm thực hành và học tập ở một số trường THPT, trường ĐH đa ngành và các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề… Hiệu trưởng Nguyễn Đoan Trang cho hay đây là điểm mới trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường. Những năm trước, trường thường kết nối với các trường THPT giới thiệu về tuyển sinh lớp 10 nhưng đến nay, để giúp cho HS chuẩn bị tốt nhất khi bước vào chương trình THPT, lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp, trường tổ chức cho HS đến với trường ĐH, nhà máy, xí nghiệp… Nhà trường cố gắng giúp HS có cái nhìn đa dạng về loại hình đào tạo, ngành nghề để các em có sự lựa chọn chính xác nhất có thể.

Ở góc độ chuyên môn, một giáo viên (GV) ở Q.Bình Thạnh đánh giá: "Việc tạo điều kiện cho HS tìm hiểu các ngành nghề đào tạo của bậc ĐH hay trải nghiệm tại trường ĐH sẽ giúp các em có hình dung trực quan về môn học, thích thú hơn khi học tập. Việc trải nghiệm tại trường ĐH giúp HS nuôi dưỡng đam mê, định hướng về ngành nghề cho tương lai".

Chọn ngành đại học từ lớp 9

theo định hướng của Chương trình GDPT 2018, HS hết lớp 9 sẽ có những hiểu biết về các ngành nghề trong xã hội để có thể tiếp tục học lên bậc THPT

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

THIẾU GV HƯỚNG NGHIỆP ĐƯỢC ĐÀO TẠO BÀI BẢN

Là hoạt động giáo dục bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018 nhưng việc giảng dạy các nội dung hướng nghiệp phần lớn huy động từ GV các bộ môn, các bộ phận khác trong nhà trường.

Hiệu phó của một trường THCS tại Q.1 (TP.HCM) cho hay tùy theo chủ đề, chủ điểm của hoạt động mà nhà trường phân công đội ngũ tham gia xây dựng kế hoạch giảng dạy và hướng nghiệp. "Rõ ràng khi không được đào tạo bài bản, chuyên trách về phương pháp tư vấn tâm lý, hướng nghiệp thì hiệu quả của hoạt động sẽ không đạt được kết quả tối ưu", người này thừa nhận.

Một giảng viên Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng cho rằng những GV xuất phát từ các lĩnh vực khác thường gặp khó khăn trong việc tiếp thu và áp dụng các khái niệm cơ bản của tâm lý học. Bên cạnh đó, theo giảng viên này, có bộ phận GV tham gia khóa đào tạo tư vấn và hướng nghiệp chỉ vì sự phân công từ đơn vị, mà không phải từ đam mê cá nhân. Hệ quả là chất lượng công tác tư vấn giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hỗ trợ HS, khiến HS không nhận được sự giúp đỡ đầy đủ và chất lượng cần thiết để phát triển cá nhân và nghề nghiệp.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, nhìn nhận hiện chưa có lực lượng chuyên trách về tư vấn hướng nghiệp cho HS. GV không được đào tạo về chuyên môn để hướng nghiệp, đội ngũ tư vấn còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình hướng nghiệp và huấn luyện kỹ năng mềm cho HS.

Đồng tình với những nhận xét trên, một GV mỹ thuật tại Q.Bình Thạnh cũng thẳng thắn cho rằng cơ sở vật chất là hạn chế trong việc giảng dạy bộ môn mỹ thuật ở trường phổ thông. Ngoài ra, theo GV này, trong quá trình học THCS, nhiều HS thể hiện năng khiếu mỹ thuật rất tốt, song thường lên lớp 8, lớp 9 sẽ giảm dần để tập trung vào các môn học thi tuyển sinh vào lớp 10.

Xây dựng định hướng nghề nghiệp cho HS ngay ở bậc THCS

Chương trình GDPT 2018 xây dựng định hướng nghề nghiệp cho HS ngay ở bậc THCS. Theo đó, HS được trang bị đầy đủ các kiến thức cơ bản để có hiểu biết về các ngành nghề trong xã hội thông qua hoạt động giáo dục hướng nghiệp. HS biết được những nghề; các hoạt động đặc trưng; những phẩm chất và năng lực cần có của người làm những nghề mà mình quan tâm; biết tham vấn ý kiến của người thân, thầy cô về việc chọn định hướng học tập sau khi tốt nghiệp THCS, từ đó quyết định lựa chọn con đường học tập, làm việc sau này.

Như vậy sau khi tốt nghiệp THCS, HS đã có đầy đủ kiến thức về ngữ văn, toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ và các môn học khác trong Chương trình GDPT một cách cơ bản và toàn diện. Có những hiểu biết nhất định về các ngành nghề trong xã hội để có thể tiếp tục học lên bậc THPT.

Vừa chọn trường THPT vừa định hướng nghề nghiệp

Với kinh nghiệm dạy lớp 9 hơn 25 năm qua, bà Trần Thị Vân, GV Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho rằng công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS cấp THCS cần phải thay đổi khi áp dụng Chương trình GDPT 2018.

Chọn ngành đại học từ lớp 9

Học sinh lớp 9 hiện nay không chỉ chọn trường THPT sao cho trúng mà còn phải chọn tổ hợp môn tự chọn phù hợp với khả năng của mình

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Bà Vân phân tích: "Hàng chục năm qua, việc hướng nghiệp cho HS lớp 9 chỉ là tư vấn chọn nguyện vọng lớp 10 sao cho trúng tuyển trường công lập thì nay còn cần giới thiệu cho HS biết về tổ hợp môn tự chọn ở trường THPT sao cho phù hợp với năng lực, định hướng nghề nghiệp sau này. Thêm vào đó cần phải có thông tin, với những tổ hợp môn tự chọn ở bậc THPT thì HS có thể xét tuyển ĐH, vào những ngành học nào và có đúng với sở thích, mong muốn của các em hay không?".

Bên cạnh đó, bà Vân mong muốn: "Việc tư vấn cần đúng và trúng để tránh trường hợp các HS chọn trường THPT không có tổ hợp môn theo định hướng nghề nghiệp của mình sau này".

Ở góc độ phụ huynh, ông Lưu Bảo Quốc, có con học tại Trường trung học Nam Sài Gòn (Q.7, TP.HCM), chia sẻ: "Năm nay con học lớp 9 nên tôi tìm hiểu các thông tin về tuyển sinh lớp 10 thì biết giờ đây không chỉ chọn trường THPT sao cho trúng mà còn phải chọn trường dạy tổ hợp môn tự chọn phù hợp với khả năng của các con". Cũng theo ông Quốc, những tổ hợp này sẽ định hướng về nghề nghiệp tương lai cho HS nên rất cần thông tin về tổ hợp môn tự chọn ở các trường THPT và khi học những tổ hợp này thì sẽ phù hợp với việc xét tuyển ĐH trường nào, ngành gì? "Tóm lại, việc tư vấn hướng nghiệp với HS cấp THCS vừa là chọn trường THPT vừa định hướng nghề nghiệp cho bậc ĐH", ông Quốc mong muốn.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Hắc sắc nguyệt quang - SCTV9

 

Ông chủ trường đua - SCTV9

 

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Xứng danh tài nữ 4 - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...