"Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành trung tâm giáo dục và nghiên cứu mới ở khu vực miền tây Nhật Bản chuyên nghiên cứu về khủng long, với hy vọng tận dụng thế mạnh của trường để thúc đẩy hơn nữa hoạt động nghiên cứu", ông Mototaka Saneyoshi, phó giáo sư nghiên cứu về khủng long tại ĐH Khoa học Okayama, cho biết.
ĐH Khoa học Okayama đã mở khóa học về khủng long và cổ sinh vật học kể từ năm 2014, tiếp quản một dự án khai quật hóa thạch ở Sa mạc Gobi (nằm ở khu vực phía nam Mông Cổ) do một công ty công nghệ sinh học địa phương thực hiện.
Từ đó, đội ngũ chuyên gia của trường đã phát hiện ra một trong những dấu chân khủng long lớn nhất thế giới và phát triển một phương pháp mới nhằm xác định niên đại hóa thạch khủng long.
Do đó, nhà trường quyết định thành lập một khoa mới vì số lượng người đăng ký khóa học về khủng long tăng 2-3 lần trong những năm gần đây.
Khoa mới sẽ tuyển sinh 45 sinh viên, tăng khoảng 50% so với khóa học ban đầu. Số lượng giáo sư giảng dạy tăng từ 4 lên 8 người.
Theo thông báo của ĐH Khoa học Okayama, khoa mới sẽ tạo cơ hội cho sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu đa diện về khủng long như: xác định protein còn sót lại trong hóa thạch và giải mã trình tự axit amin.
Điểm hấp dẫn của khóa học hiện tại là cuộc khai quật hóa thạch khủng long ở Sa mạc Gobi. Đa số người tham gia khóa học là sinh viên năm thứ tư và sau ĐH đang làm đồ án tốt nghiệp.
Đối với khoa mới, sinh viên năm thứ 3 mới được tham gia dự án khai quật này. "Chúng tôi hy vọng sẽ khám phá ra những khía cạnh mới của hệ sinh thái khủng long mà chúng tôi chưa thể khám phá ra trong khóa học hiện hữu", phó giáo sư Saneyoshi cho biết.